Các em nhỏ bị suy dinh dưỡng được điều trị tại trung tâm y tế ở Makary, Cameroon. Ảnh tư liệu - minh họa: THX/TTXVN
“Tôi đã có 5 con rồi và sắp sinh đứa thứ sáu. Tôi chỉ muốn có 3 con thôi, nhưng tôi chưa bao giờ có sự lựa chọn”, Ombeni Mburano, 31 tuổi, sống ở CHDC Congo, chia sẻ. Với chị, quyết định có con không phải lúc nào cũng nằm trong tay người phụ nữ, mà còn chịu ảnh hưởng từ chồng, gia đình hoặc hoàn cảnh sống.
Esther, 18 tuổi, cũng ở CHDC Congo, sớm mang thai sau vài lần hẹn hò mà không có kiến thức về tình dục hay sức khỏe sinh sản.
Câu chuyện của Ombeni hay Esther chỉ là hai trong hàng triệu trường hợp trên toàn thế giới cho thấy quyền tự quyết về sinh sản vẫn là điều xa xỉ với nhiều phụ nữ.
Báo cáo Thực trạng Dân số thế giới 2025 do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố cho thấy tỷ lệ đáng lo ngại là 44% nữ giới trên toàn cầu không được tự quyết về thân thể của mình, bao gồm quan hệ tình dục, việc mang thai hay tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản. Tại CHDC Congo, một trong những quốc gia có tỷ lệ sinh cao nhất thế giới, con số này lên đến 69%.
Một khảo sát trực tuyến với hơn 14.000 người ở 14 quốc gia (chiếm 37% dân số toàn cầu) cho thấy khoảng 30% số người từng trải qua mang thai ngoài ý muốn, trong đó khoảng 13% phải đối mặt với các rào cản sinh con, thậm chí tỷ lệ này ở một số nước vượt 20%. Đáng lưu ý, trong nhóm trên 50 tuổi, 31% cho biết đã sinh ít con hơn mong muốn, còn 12% sinh nhiều hơn.
Các em nhỏ tại trại tị nạn ở ngoại ô Goma, CHDC Congo. Ảnh: THX/TTXVN
Tại một số nước phương Đông, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" còn nặng nề, khiến nhiều phụ nữ bị ép buộc mang thai, sinh con, hoặc bị hạn chế quyền tiếp cận các biện pháp tránh thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Tình trạng mang thai và sinh con ở tuổi vị thành viên vẫn là vấn đề nhức nhối, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của người mẹ mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dân số và xã hội. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca mang thai ở tuổi vị thành niên mỗi năm tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình lên tới hơn 21 triệu, trong đó khoảng một nửa là ngoài ý muốn.
Trong khi dân số toàn cầu đã vượt mốc 8 tỷ người, tỷ suất sinh bình quân của phụ nữ đã giảm mạnh - từ 5 con/phụ nữ (năm 1950) xuống còn 2,25 (năm 2024) và dự kiến sẽ xuống còn 2,1 vào năm 2050. Dù vậy, UNFPA cảnh báo: vấn đề không phải là dân số bùng nổ hay suy giảm, mà là hàng triệu người không thể sinh con theo đúng nguyện vọng. Tỷ suất sinh không phản ánh đầy đủ quyền tự do lựa chọn của cá nhân.
Giới trẻ hiện chiếm hơn 1,8 tỷ người - nhóm dân số lớn nhất trong lịch sử - nhưng nhiều người trong số họ không thể xây dựng gia đình lý tưởng vì vấp phải hàng loạt rào cản: Từ kinh tế bấp bênh, bất bình đẳng giới, thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản chất lượng, cho đến khó tiếp cận giáo dục, việc làm, nhà ở và sự hỗ trợ từ cộng đồng. Điều này lý giải vì sao chủ đề Ngày Dân số Thế giới năm 2025 là "Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi" - lời kêu gọi trao cho người trẻ công cụ và cơ hội để làm chủ tương lai.
UNFPA nhấn mạnh chính sách dân số hiệu quả không phải là kìm hãm hay khuyến khích sinh con, mà phải thúc đẩy quyền tự quyết của mỗi cá nhân, tạo điều kiện để mọi người sinh con khi họ muốn và phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khỏe, điều kiện thu nhập... Giải pháp bền vững là đầu tư vào y tế, giáo dục, bình đẳng giới, bảo trợ xã hội và xây dựng một môi trường hỗ trợ lựa chọn sinh sản tự do, có trách nhiệm.
Trẻ em làm mát dưới đài phun nước ở Berlin, Đức. Ảnh: REUTERS/TTXVN
30 năm qua, thế giới đã đạt được những tiến bộ lớn về quyền sinh sản. Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển năm 1994 tại Cairo đã đánh dấu cột mốc khi 179 quốc gia cam kết thúc đẩy quyền sinh sản như một quyền cơ bản. Từ đó đến nay, quyền tiếp cận các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình được cải thiện, phá thai hợp pháp được mở rộng.
Tại Việt Nam, chính sách dân số đang có bước chuyển quan trọng: từ kiểm soát số lượng sang phát triển bền vững. Những chính sách dân số gắn với quyền cơ bản của con người, cũng như gắn với thực tiễn. Pháp lệnh Dân số sửa đổi mới được thông qua đã ghi nhận quyền của mỗi cá nhân/cặp vợ chồng được quyết định thời điểm, số lượng và khoảng cách sinh con phù hợp với sức khỏe và điều kiện sống. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có chính sách miễn học phí toàn bộ cấp học phổ thông công lập trên toàn quốc từ năm học 2025 - 2026.
Trong khi đó, Dự thảo Luật Dân số đang lấy ý kiến rộng rãi tiếp tục đề xuất mở rộng quyền sinh sản, như kéo dài nghỉ thai sản lên 7 tháng với phụ nữ sinh con thứ hai, hỗ trợ nhà ở xã hội cho các gia đình có con nhỏ. Đây là phản ứng chính sách kịp thời khi Việt Nam đang đối mặt với tỷ suất sinh thấp tại nhiều tỉnh thành và tốc độ già hóa dân số nhanh.
Trẻ em tại trại tị nạn ở Port Sudan, bang Red Sea, Sudan. Ảnh: THX/TTXVN
Bức tranh nhân khẩu học toàn cầu đang trở nên đa dạng: Một số nước tăng dân nhanh chóng, số khác lại đối mặt với dân số già và tỷ lệ sinh thấp. Việc bảo đảm quyền tự quyết về sinh sản, đảm bảo mỗi người dân có thông tin, dịch vụ và điều kiện để chủ động và tự do quyết định việc sinh con một cách có trách nhiệm chính là "chìa khóa" để duy trì chính sách dân số bền vững. Bên cạnh đó là ngăn chặn nạn tảo hôn, giáo dục nâng cao nhận thức về vấn đề sinh sản cho mọi đối tượng, thực hiện bình đẳng giới...
Tự quyết về sinh sản là một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên góp phần sinh ra một thế hệ khỏe mạnh, nâng cao chất lượng dân số, đóng góp cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Như vậy, có thể nói thực hiện quyền tự quyết về sinh sản là khởi nguồn để bảo đảm chất lượng cuộc sống. Đó cũng là cách để hướng đến một xã hội công bằng, nhân văn và phát triển bền vững - thông điệp cốt lõi của Ngày Dân số Thế giới năm nay.