Tân thủ tướng nhậm chức chỉ chưa đầy một tháng sau khi liên minh cánh hữu do đảng Anh em Italy (FdI) đứng đầu thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử sớm ngày 25/9, giành được đa số ghế tại cả Hạ viện và Thượng viện.
Chính phủ thiên hữu nhất tại Italy kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và nữ thủ tướng vốn được xem là ít có kinh nghiệm quản lý lên nắm quyền vào thời điểm đất nước đang phải đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng chồng chéo khi tình trạng thiếu hụt năng lượng gây ra lạm phát cao và làm suy giảm tăng trưởng. Người dân Italy và cộng đồng quốc tế trông chờ chính phủ mới có năng lực giải quyết một loạt các vấn đề cấp bách.
Thủ tướng Meloni hiện đứng trước vấn đề tương tự như những người tiền nhiệm đã gặp phải: sự trì trệ suốt 30 năm của Italy. Nợ công ở mức trên 150% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), xã hội già hóa với khoản chi cho lương hưu lớn, nhiều người đang sống bằng hoặc gần mức nghèo khổ. Thuế suất hiện ở mức cao, nhưng việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trường học và trường đại học có chất lượng không đồng đều.
Về đối ngoại, quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) đang căng thẳng. Hai đối tác của bà Meloni là nhà lãnh đạo đảng Liên đoàn Matteo Salvini và cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, đứng đầu đảng Forza Italy, được đánh giá là "quá thân thiết với Nga". Đây là những thách thức chính sách không dễ vượt qua đối với bất kỳ chính phủ nào.
Bà Meloni sẽ gặp khó khăn hơn trong việc giải quyết những trở ngại này so với người tiền nhiệm Mario Draghi vốn được EU tin tưởng. Nhưng nếu không nhanh chóng tạo ra thành tích, uy tín của thủ tướng mới có thể giảm sút. Các cử tri Italy được xem là nổi tiếng thực dụng. Họ muốn biết chính phủ sẽ làm gì cho họ. Nhưng chính phủ của bà Meloni có rất ít dư địa chính trị hoặc kinh tế để hành động.
Ngay trong phiên họp nội các đầu tiên ngày 23/10, Thủ tướng Meloni đã tuyên bố chính phủ sẽ tập trung vào chính sách trong nước, phù hợp với đường lối chính trị của bà là “Italy trên hết”, dựa trên chủ quyền và ý thức dân tộc mạnh mẽ, cũng bao gồm các bước tiềm năng để nâng tầm quan trọng của nước này trong EU.
Về cuộc khủng hoảng năng lượng, khó khăn mà ngành công nghiệp và các hộ gia đình Italy đang đối mặt đòi hỏi phải được quan tâm khẩn cấp. Liên đoàn giới chủ công nghiệp (Confindustria) của Italy đã cảnh báo rằng hàng chục nghìn doanh nghiệp đang có nguy cơ đóng cửa khi chi phí năng lượng công nghiệp đã tăng từ 8 tỷ euro (7,87 tỷ USD) trong năm 2019 lên 100 tỷ euro trong năm nay.
Bà Meloni ủng hộ việc châu Âu áp giá trần đối với khí đốt của Nga. Ông Salvini, người đảm nhiệm vai trò phó thủ tướng kiêm bộ trưởng cơ sở hạ tầng và giao thông bền vững trong chính phủ mới, thì khuyến khích Italy vay thêm nợ để giúp các hộ gia đình và chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, giá năng lượng tăng vọt cộng với lạm phát cao đang khiến Italy đối mặt với "bóng ma" suy thoái. Mặc dù chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế quý III/2022, nhưng các tính toán của Ủy ban ngân sách Quốc hội Italy cho thấy nền kinh tế nước này đã giảm 0,2% và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong quý IV. Bà Meloni được giao nhiệm vụ khó khăn là giảm nợ công đồng thời duy trì sự ổn định ngân sách. Tân Bộ trưởng Tài chính Giancarlo Giorgetti được coi là người có khả năng đảm bảo tính liên tục trong các chiến lược kinh tế của Thủ tướng tiền nhiệm Draghi.
Phụ nữ và các nhóm thiểu số tại Italy, từ cộng đồng LGBTQ (gồm những người đồng tính, song tính, chuyển giới) cho đến những người nhập cư, lo sợ quyền của họ sẽ bị hạn chế. Bà Meloni đã phản đối việc cấp quyền công dân tự động cho con cái của những người nhập cư sinh ra ở Italy, và chỉ trích gay gắt những người di cư kinh tế, kêu gọi hải quân "khóa" tuyến đường vượt biển của dòng người di cư bất hợp pháp từ Bắc Phi.
Một nhiệm vụ cấp bách nữa của chính phủ mới là phải tiếp tục những cải cách đã cam kết để được EU tiếp tục giải ngân khoản quỹ phục hồi sau đại dịch COVID-19, lên tới hơn 200 tỷ euro. Cựu Thủ tướng Mario Draghi đã đảm bảo việc giải ngân khoảng 70 tỷ euro trong nhiệm kỳ của mình và bà Meloni chịu trách nhiệm về phần còn lại. Tuy nhiên, việc Thủ tướng Meloni để ngỏ rằng có thể chuyển hướng các khoản hỗ trợ cho phù hợp với các ưu tiên của chính phủ, mà không chỉ rõ những khoản này có thể khác nhau như thế nào, đang khiến dư luận lo ngại.
Bất chấp sự thay đổi chính sách trong nước, Thủ tướng Meloni đã trấn an tất cả các đối tác khi chọn ông Antonio Tajani, một chính trị gia ủng hộ EU và cựu chủ tịch Nghị viện châu Âu, làm ngoại trưởng. Cả trước và sau khi trở thành thủ tướng, bà Meloni luôn khẳng định Italy luôn đứng về phía Ukraine, phù hợp quan điểm với EU và Mỹ.
Một phát biểu đáng chú ý là ngày 22/10, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto đã nhấn mạnh rằng nếu cần, chính phủ mới sẽ sử dụng “quyền lực vàng” để ngăn chặn các công ty nước ngoài mua lại các công ty Italy trong những ngành nhạy cảm. Giới phân tích Italy cho rằng việc thực thi “quyền lực vàng” đã trở thành một đại diện rất chính xác cho lập trường chính sách đối ngoại của Italy giữa các chính phủ kế nhiệm. Dưới thời Thủ tướng Draghi, Italy đã nhiều lần sử dụng “quyền lực vàng” này.
Chính phủ của Thủ tướng Meloni nhậm chức trong thời gian ngắn bất thường đối với Italy, chưa đến 30 ngày so với mức trung bình 46 ngày của các chính phủ trước đây. Điều đó cũng phản ánh nhiều vấn đề cấp bách mà nước này phải giải quyết, bao gồm việc phải ban hành luật ngân sách vào cuối năm nay. Người ta vẫn cần chờ xem liệu Italy thực sự có bước khởi đầu mới ổn định hơn hay không.