Theo phóng viên TTXVN tại London, kết luận trên dựa vào một nghiên cứu đối với hơn 5 triệu bệnh nhân của Cơ quan Y tế Quốc gia (NHS) được công bố trên Tạp chí Y học Cấp cứu vào năm 2021. Nghiên cứu cho thấy cứ 72 bệnh nhân phải chờ đợi 8 - 12 giờ trong khoa cấp cứu thì có một trường hợp tử vong. Nguy cơ tử vong bắt đầu tăng sau 5 giờ và trở nên tồi tệ hơn khi thời gian chờ đợi lâu hơn. Tính toán của RCEM chỉ giới hạn trong nhóm bệnh nhân đang chờ nhập viện và kết quả là trung bình có 268 ca tử vong mỗi tuần vào năm 2023. Con số này ít hơn 17 ca/1 tuần so với năm 2022, khi một đợt bùng phát cúm nghiêm trọng và số ca mắc COVID-19 khiến các cơ sở y tế quá tải.
Tiến sĩ Adrian Boyle, Chủ tịch RCEM, cho rằng việc chờ đợi quá lâu khiến bệnh nhân có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng mà lẽ ra có thể tránh được. Theo ông, điều cần làm ngay là can thiệp khẩn cấp, đặt tính mạng con người lên hàng đầu, trong khi bệnh nhân và nhân viên không phải chịu hậu quả của việc không đủ kinh phí và thiếu nguồn lực.
Tháng trước, NHS đặt mục tiêu 76% bệnh nhân đăng ký cấp cứu sẽ được nhập viện, chuyển viện hoặc xuất viện trong vòng 4 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy chỉ 70,9% bệnh nhân được thăm khám trong thời gian như vậy.
Tuy nhiên, một nguồn tin trong NHS cho rằng số liệu RCEM có thể gây hiểu nhầm vì áp dụng số liệu trung bình cho những người trong danh sách chờ mà không tính đến từng trường hợp riêng lẻ.
Người phát ngôn của NHS dẫn dữ liệu được công bố mới nhất cho thấy kế hoạch phục hồi và chăm sóc khẩn cấp cho bệnh nhân đang mang lại những tiến bộ. Người phát ngôn cũng chỉ ra rằng nguyên nhân gây ra số ca tử vong quá mức là do một số yếu tố khác nhau, đồng thời cho rằng các cơ quan thống kê cần tiếp tục phân tích để chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên.