Theo ông Chairat, tác động của đại dịch COVID-19 sẽ trở nên nghiêm trọng nhất vào quý III/2020 sau khi rất nhiều doanh nghiệp đã tìm cách cắt giảm chi phí thông qua việc sa thải nhân viên. Tình hình vẫn chưa được cải thiện sau khi hơn 1 triệu vị trí bị cắt giảm do vẫn chưa có khách du lịch nước ngoài nào được phép vào Thái Lan.
Ông Chairat cho biết TCT ước tính trong vòng ba tháng tới sẽ có 30% doanh nghiệp liên quan đến du lịch ở Thái Lan có nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn. Ông Chairat nói thêm một số doanh nghiệp đang bắt đầu bán tài sản như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng và cửa hàng bán đồ lưu niệm cho các nhà đầu tư muốn biến những nơi đó thành công việc kinh doanh khác. Tuy nhiên, do kinh doanh bất động sản cũng bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế, hy vọng bán bất động sản vẫn ảm đạm đối với những người chủ.
TCT đã có một cuộc họp với Thủ tướng Prayut Chan-o-cha hôm 10/7 và đề xuất 5 biện pháp để giúp đỡ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Theo ông Chairat, những biện pháp đó bao gồm cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp du lịch; cân nhắc lịch trình mở cửa đất nước cho du khách nước ngoài; giảm giá điện; mở rộng chi trả bồi thường của Văn phòng Bảo hiểm Xã hội cho những nhân viên tạm thời bị thất nghiệp từ tháng 6 tới tháng 12; và giảm đóng góp của chủ sử dụng lao động cho Quỹ Bảo hiểm Xã hội từ 4% xuống 1%.
Ông Chairat cũng cho biết TCT đã dự báo thu nhập từ du khách nước ngoài trong năm 2020 sẽ giảm mạnh, từ 2.200 tỷ baht (khoảng 70 tỷ USD) trong năm 2019 xuống còn 600 tỷ baht.
Du lịch là một trong những động lực thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan. Trước khi bùng phát dịch COVID-19, Thái Lan hy vọng doanh thu từ du lịch sẽ đóng góp khoảng 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2020. Thái Lan đón gần 40 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2019. Tuy nhiên, du lịch là ngành đầu tiên ở nước này phải hứng chịu tác động của dịch COVID-19 ngay từ cuối tháng 1/2020.
Trong 5 tháng đầu năm, tổng số các chuyến du lịch nội địa ở Thái Lan đã giảm 58,2%, chỉ đạt 40,2 triệu hành trình, với doanh thu giảm 57,9% xuống còn 191 tỉ baht. Số liệu thống kê của TAT cho thấy số lượng du khách quốc tế tới nước này giảm 60% trong 5 tháng đầu năm nay xuống còn 6,69 triệu lượt, trong khi doanh thu từ khách nước ngoài giảm 59,6% xuống mức 332 tỷ baht.
Cuối tháng trước, Nội các Thái Lan đã thông qua hai gói kích cầu du lịch nội địa tổng trị giá 22,4 tỷ baht để có thể hồi sinh ngành công nghiệp không khói vốn đã tê liệt bởi đại dịch COVID-19.
Cùng với đó, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) vừa phát động một chương trình kích thích mua sắm kéo dài trong hai tháng nhằm hỗ trợ ít nhất 10.000 doanh nghiệp liên quan đến ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Chương trình này có tên gọi “Đại hạ giá tuyệt vời Thái Lan 2020 - Mua sắm không ngừng” (Amazing Thailand Grand Sale 2020 – Non-Stop Shopping) và sẽ kéo dài từ ngày 15/7 tới 15/9 với hy vọng tạo ra được doanh thu 100 triệu baht (hơn 3 triệu USD) từ du khách nội địa để giúp ngành du lịch hồi phục sau các biện pháp phong tỏa phòng chống COVID-19.
Kinh tế Thái Lan được cho là đang trên đà rơi vào suy thoái sau khi ghi nhận mức giảm 1,8% trong quý I/2020, mức giảm sâu nhất kể từ quý IV/2011. Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đã cắt giảm triển vọng kinh tế của nước này xuống mức thấp kỷ lục là -8,1% trong năm 2020, giảm sâu hơn so với thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây cũng dự báo kinh tế Thái Lan sẽ suy giảm 6,5% trong năm nay, mức giảm mạnh nhất trong số các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).