Khoa học chứng minh ‘bà thương cháu’ là bản năng

Các nhà khoa học đã chứng minh được điều mà nhiều người may mắn được lớn lên khi có bà đều biết rõ: Các bà có bản năng nuôi dưỡng mạnh mẽ và luôn hết lòng quan tâm đến cháu của mình.

Kết quả báo cáo vừa được công bố trên cuốn Kỷ yếu Hiệp hội Hoàng gia B (Anh) hôm 16/11 là nghiên cứu đầu tiên phân tích ảnh chụp thần kinh về mối liên kết giữa các thế hệ trong gia đình.

“Bà thương cháu” là thật

Sử dụng phương pháp chụp ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI), nhóm nghiên cứu tại Đại học Emory ở bang Georgia (Mỹ) đã chụp quét não của 50 người bà sau khi được cho xem ảnh các cháu từ 3 đến 12 tuổi của họ. 

Để kiểm soát, họ cũng được cho xem hình ảnh của một đứa trẻ không rõ danh tính, một phụ huynh cùng giới tính với con của họ và một người lớn không rõ danh tính.

Chú thích ảnh
Một người bà gánh cháu gái trên vai đi làm vườn ở Trung Quốc. Ảnh: AFP

Nhà nhân chủng học kiêm thần kinh học James Rilling, người đứng đầu cuộc nghiên cứu giải thích với hãng thông tấn AFP: “Họ đã chọn lựa những vùng não liên quan đến sự đồng cảm về cảm xúc, và những vùng não liên quan đến chuyển động và mô phỏng vận động và chuẩn bị”.

Khi các bà xem ảnh của cháu ruột, họ thực sự cùng chung cảm xúc với đứa trẻ trong ảnh. Nếu đứa trẻ đang bày tỏ niềm vui, các bà cũng cảm nhận được niềm vui đó. Nếu đứa trẻ thể hiện sự đau khổ, họ cũng cảm thấy đau khổ. 

Đối với các mẹ, vùng não liên quan đến vận động của họ sẽ sáng lên khi nhìn ảnh con. Điều này được cho là có liên quan đến bản năng đi đón con, dạy dỗ hay tương tác với chúng.

Ngược lại, khi các bà xem ảnh của những đứa con trưởng thành của họ, họ có sự kích hoạt mạnh mẽ hơn các vùng não liên quan đến đồng cảm về nhận thức. Các bà cố gắng tìm hiểu những gì một người đang suy nghĩ hoặc cảm thấy mà không cần nhiều sự tham gia về mặt cảm xúc.

Chuyên gia Rilling cho biết hiện tượng có thể liên quan đến vẻ ngoài dễ thương của trẻ em - tên khoa học gọi là "lược đồ sơ sinh" (baby schema), mà con non của nhiều loài đều có để gợi lên phản ứng chăm sóc.

Nghiên cứu tiên phong

Khác với các loài linh trưởng khác, con người là "người chăn nuôi hợp tác", có nghĩa là các bà mẹ được giúp đỡ trong việc nuôi dạy con cái.

Ông James Rilling, người trước đây từng tiến hành nghiên cứu tương tự trên các ông bố, muốn chuyển hướng sang các bà nhằm khám phá một lý thuyết trong nhân chủng học được gọi là "giả thuyết bà ngoại".

Điều này cho thấy lý do tiến hóa rằng phụ nữ có xu hướng sống lâu - vượt xa số năm sinh sản của chính họ - là để mang lại lợi ích cho con cái đã trưởng thành và cháu chắt của họ. 

Bằng chứng ủng hộ giả thuyết trên đã được tìm thấy trong các xã hội khắp thế giới, trong đó có những tộc người săn bắn hái lượm Hadza ở phía Bắc Tanzania, nơi những người bà chăm nuôi cháu lớn lên. 

Hiệu ứng này cũng được thấy ở một số loài khác như voi và cá voi sát thủ. Giống con người song lại khác biệt đại đa số động vật có vú, chúng cũng trải qua thời kỳ mãn kinh.

Nhà thần kinh học Rilling cho biết đây thực sự là cái nhìn đầu tiên về bộ não của các bà mẹ, bởi các nghiên cứu quét não trên người cao tuổi thường tập trung vào nghiên cứu bệnh Alzheimer.

Những người bà bày tỏ mong muốn chăm sóc con cháu nhiều hơn thì càng có hoạt động mạnh ở các vùng não của sự quan tâm.

Cuối cùng, khi so sánh nghiên cứu mới với kết quả nghiên cứu trước đó về các ông bố, ông Rilling nhận thấy rằng về tổng thể, những người bà kích hoạt mạnh mẽ hơn các vùng liên quan đến sự đồng cảm và động lực. 

Tuy vậy, ông nhấn mạnh phát hiện này chỉ mang tính trung bình và không nhất thiết phải áp dụng cho bất kỳ cá nhân nào.

Nhiều bà cảm thấy giờ đây họ có thể chăm sóc con cháu nhiều hơn vì họ không phải chịu áp lực về thời gian và tài chính như đã từng trải qua khi nuôi con nhỏ. Không ít người bày tỏ họ thích làm bà hơn là làm mẹ. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức (theo AFP)
Trung Quốc - Nga thành lập trung tâm thời tiết vũ trụ chung
Trung Quốc - Nga thành lập trung tâm thời tiết vũ trụ chung

Tổng cục Khí tượng Trung Quốc (CMA) cho biết Trung Quốc và Nga đã thành lập một trung tâm thời tiết vũ trụ chung ở Bắc Kinh trong nỗ lực cải thiện hệ thống trung tâm thời tiết không gian toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN