Khó khăn thành lập liên minh cầm quyền ở Đức

Chỉ một ngày sau khi có kết quả bầu cử Quốc hội liên bang, Chủ tịch đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) đồng thời là đương kim Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bắt đầu khởi động quá trình thương lượng với hai đảng trung tả có ghế trong Quốc hội là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Xanh nhằm tìm kiếm liên minh cầm quyền mới.

Thủ tướng Đức Angela Merkel mừng chiến thắng tại trụ sở của đảng CDU ở thủ đô Berlin sau cuộc bầu cử. Ảnh: AFP-TTXVN


Phát biểu với báo giới tại buổi họp báo của đảng CDU tại Berlin ngày 23/9, bà Merkel tuyên bố CDU/CSU để ngỏ mọi khả năng đàm phán. Bà cho biết đã có những trao đổi đầu tiên với Chủ tịch SPD về kế hoạch liên minh giữa hai bên.

Trong khi đó, theo SPD, đảng này chỉ thông báo phương án liên minh của họ sau cuộc họp của đảng vào ngày 27/9 tới. Một chính phủ đại liên minh CDU/CSU - SPD đã từng được thành lập trong giai đoạn 2005 - 2009 với Thủ tướng là bà Merkel, ứng cử viên Peer Steinbrueck của SPD khi đó là Bộ trưởng Tài chính.

Bà Merkel cũng khẳng định đảng CDU/CSU không loại trừ khả năng liên minh với đảng Xanh để thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên, Chủ tịch đoàn nghị sĩ CDU/CSU trong Quốc hội Volker Kauder cho rằng khả năng thành lập một liên minh với đảng Xanh là rất khó.

Các nhà phân tích cho rằng hiện cả SPD và đảng Xanh đều không mặn mà với việc liên minh cùng CDU/CSU thành lập chính phủ do bà Merkel lãnh đạo. Giới quan sát cho rằng nguyên nhân SPD không dễ dàng liên minh với CDU/CSU vì kinh nghiệm của thời kỳ đại liên minh năm 2005 - 2009 cho thấy trong nhiệm kỳ đó CDU/CSU luôn có cách để nhận mọi lời khen ngợi vì những thành tích đối nội, đối ngoại trong khi đó SPD gánh chịu thiệt hại và mất đi sự ủng hộ của cử tri khi bị đổ mọi trách nhiệm cho những yếu kém của chính phủ và sau đó thất bại trong bầu cử. Nhiều nhà phân tích cho rằng hiện CDU cần SPD hơn là SPD cần CDU.

Trong phát biểu mới nhất trước báo giới, Chủ tịch SPD Sigmar Gabriel cho rằng để bắt đầu đàm phán bà Merkel phải trả lời được câu hỏi đảng của bà muốn cùng nước Đức tiến về đâu, mục tiêu là gì và sẵn sàng đồng ý những điều kiện thương lượng nào. Trong khi đó, Tổng thư ký SPD Andrea Nahles cũng khẳng định không có chuyện SPD tự động chấp nhận liên minh với đảng CDU/CSU.
 
Các tờ báo lớn ở Đức như Thời đại, Nam Đức và dư luận Đức nói chung hiện nghiêng về khả năng CDU/CSU sẽ liên minh với đảng SPD nhưng nhận định quá trình đàm phán của CDU/CSU với SPD (hoặc khả năng thấp hơn là với đảng Xanh) đều sẽ rất khó khăn và kéo dài trong vòng ít nhất một tháng.

Việc CDU/CSU của bà Merkel phải liên minh với SPD hoặc đảng Xanh để thành lập chính phủ mới làm người dân châu Âu hy vọng vào sự điều chỉnh chính sách mềm dẻo hơn của Đức trong việc khắc phục khủng hoảng kinh tế châu Âu. Nhiều người kỳ vọng đối tác chính trị mới của bà Merkel sẽ dễ dãi hơn với các nước gặp khó khăn, quan tâm nhiều hơn đến mục tiêu tăng trưởng của khu vực Eurozone thay vì chỉ chú trọng vào các kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" khắc khổ.

Cựu Thủ tướng Italy, ông Mario Monti tin tưởng quan hệ giữa Berlin và các đối tác EU sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Trong khi đó, giới chuyên gia kinh tế thuộc ngân hàng Berenberg Bank dự báo chính sách EU của Berlin trong nhiệm kỳ tới sẽ ít nhiều "có khuynh hướng xây dựng hơn".


TTXVN/Tin tức
Tổng tuyển cử Đức: Liên minh Merkel giành chiến thắng
Tổng tuyển cử Đức: Liên minh Merkel giành chiến thắng

Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel đã giành số phiếu cao nhất, 41,7% - kết quả tốt nhất trong hai thập kỷ qua nhưng vẫn còn thiếu chút nữa để hội đủ một đa số tuyệt đối để tự thành lập chính phủ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN