Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel đã giành số phiếu cao nhất, song chưa hội đủ đa số tuyệt đối để có thể tự thành lập chính phủ mới.
Cử tri Đức bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Hornberg -Reichenbach, tây nam nước Đức. Ảnh: AFP-TTXVN |
Tính đến 24 giờ ngày 22/9 (giờ Đức), CDU/CSU đã giành được 41,7% số phiếu ủng hộ, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đoạt 25,6% số phiếu bầu trong khi Đảng Cánh tả giành 8,5% và Đảng Xanh đoạt 8,4% số phiếu. Đối tác liên minh cầm quyền của CDU/SCU là Đảng Dân chủ Tự do (FDP) chỉ giành được 4,7% số phiếu, không vượt qua mức ủng hộ tối thiểu 5% theo luật định để có đại diện trong Quốc hội. Chủ tịch FDP, ông Philipp Rösler đã nói bóng gió về khả năng từ chức khi nhận trách nhiệm cá nhân về kết quả tồi tệ nhất của đảng này kể từ năm 1949.
Tương tự, Đảng "Sự lựa chọn cho nước Đức“ (AfD) cũng chỉ giành được 4,8% số phiếu và không có chân trong Quốc hội khoá tới. Như vậy, CDU/CSU chỉ giành được 296 ghế, không đủ đa số tuyệt đối nên sẽ phải tìm đối tác để thành lập liên minh cầm quyền mới.
Tuy nhiên, theo kết quả trên, nếu ba đảng đối lập hiện nay là SPD, Đảng Xanh và Đảng Cánh tả bắt tay với nhau, họ sẽ giành được 42,5%, tương đương 302 ghế và CDU/CSU của bà Merkel có nguy cơ trở thành chính đảng đối lập. Dẫu vậy, khả năng này khó có thể xảy ra do trước đó, ứng cử viên thủ tướng của SPD là ông Peer Steinbrück đã bác bỏ việc liên minh với Đảng Cánh tả.
Cũng có nguồn tin cho rằng CDU/CSU có thể liên minh với Đảng Xanh để cầm quyền sau khi Chủ tịch đảng này là bà Claudia Roth để ngỏ khả năng thương lượng với đảng bảo thủ. Trong khi đó, khả năng lập đại liên minh với CDU/CSU đã bị ông Steinbrück tiếp tục bác bỏ.
Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Đức năm 2013 cho thấy CDU/CSU giành được nhiều hơn 7,9% số phiếu ủng hộ so với cuộc bầu cử năm 2009 và số phiếu ủng hộ mà SPD giành được cũng tăng 2,6%. Tuy nhiên, ba đảng FDP, Cánh tả và Đảng Xanh bị mất nhiều phiếu, trong đó, riêng FDP bị mất tới 9,9% số phiếu ủng hộ. Trong cuộc bầu cử ngày 22/9, đã có đạt 73% số cử tri Đức đi bỏ phiếu, cao hơn mức 70,8% - mức thấp kỷ lục trong các kỳ bầu cử.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Herman Van Rompuy đã ra tuyên bố chúc mừng Thủ tướng Merkel, bày tỏ hy vọng CHLB Đức và chính phủ mới của bà sẽ tiếp tục góp phần vào việc xây dựng một châu Âu hoà bình, thịnh vượng và thành công.
Cũng trong ngày 22/9 đã diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện bang Hessen, trong đó CDU giành được 38,9% số phiếu ủng hộ, SPD đoạt 30,6% phiếu bầu trong khi Đảng Xanh giành 11%, Đảng Cánh tả đoạt 5,1% và FDP chỉ giành 4,9% số phiếu ủng hộ.
Báo chí thế giới ca ngợi chiến thắng lịch sử của bà Merkel
Báo chí thế giới đã hoan nghênh thành tích “lịch sử tuyệt vời” của bà Angela Merkel với việc đắc cử nhiệm kỳ Thủ tướng Đức thứ ba trong cuộc tổng tuyển cử hôm 22/9, nhưng cảnh báo chương trình nghị sự của bà có thể bị hạn chế trừ phi bà đạt được một đa số tuyệt đối.
Tờ “Thời báo New York" (Mỹ) khẳng định bà Merkel đã “nhận được một chiến thắng cá nhân ấn tượng” và đó rõ ràng là một sự công nhận vai trò lãnh đạo của bà”. Các phiên bản trực tuyến của những tờ báo chính ở Tây Ban Nha tràn ngập tin tức về chiến thắng của vị nữ lãnh đạo này, trong đó tờ “El Pais” theo đường lối trung tả đưa tin về một “kết quả chưa từng có tiền lệ kể từ sau những năm tháng cầm quyền của Thủ tướng Konrad Adenauer 50 năm trước”.
Tờ “Thư tín Hàng ngày” theo đường lối bảo thủ ở Anh cho rằng bằng chiến thắng trong lần bầu cử thứ ba, bà Merkel “đã trở thành “(Margaret) Thatcher của Đức”, mặc dù vị nữ thủ tướng này thường coi nhẹ những so sánh như vậy. Còn tờ “Der Standard” của Áo gọi kết quả này là “một thảm họa” cho Đảng Dân chủ Tự do (FDP), đối tác liên minh cầm quyền của bà Merkel đang rơi vào địa ngục.
Tất cả Châu Âu đều chăm chú dõi theo các sự kiện trong ngày 22/9 này, đặc biệt là những quốc gia bị kẹt tiền mặt với nền tài chính công phụ thuộc vào các biện pháp khắc khổ chặt chẽ chủ yếu do Đức đề ra.
TTXVN/Tin tức