Khó khăn ngoại giao chờ Chính quyền Tổng thống Trump trong năm 2020

Tổng thống Mỹ Donald Trump đón năm mới 2020 với nhiều thách thức về chính sách đối ngoại. Ngay đầu năm, ông sẽ đối mặt với phiên xét xử luận tội tại Thượng viện và cuối năm là cuộc bầu cử tổng thống 2020.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump trong cuộc họp thượng đỉnh G7 tại Pháp. Ảnh: AP

Hãng thông tấn AP cho biết bước vào 2020, binh sĩ Mỹ vẫn phải tham chiến ở Afghanistan, Triều Tiên chưa từ bỏ vũ khí hạt nhân, căng thẳng với Iran, Nga, Tổ Nhĩ Kỳ, mối quan hệ thất thường với châu Âu và các đồng minh phương Tây lâu đời khác là thách thức về mặt ngoại giao của Tổng thống Trump.

AP đánh giá một số nước khác sẽ quyết định chưa nhất trí bất kỳ thỏa thuận nào với Mỹ cho đến khi họ xác định được liệu ông Trump có chiến thắng thêm nhiệm kỳ thứ hai hay không.

Tổng thống Trump từng thừa nhận điều này trong đoạn Tweet đăng ngày 26/12: “Bất chấp tất cả những thành công mà Mỹ đã giành được trong 3 năm qua, thật khó để thỏa thuận với các lãnh đạo khác khi tôi luôn phải bận rộn với việc tự bảo vệ mình trong trò luận tội của đảng Dân chủ. Thật tồi tệ cho nước Mỹ!”.

Đối với Tổng thống Trump, 2019 là năm của khá thành công. Tổng thống Trump đã giành được “điểm cao” khi tiêu diệt được thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Ngoài ra, ông cũng đạt được thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1” với Trung Quốc để giảm căng thẳng trong chiến tranh thương mại, nền kinh tế Mỹ khởi sắc và tỷ lệ thất nghiệp được duy trì ở mức thấp...

Tuy nhiên, 2020 vẫn là một năm đầy ẩn số và không ít thách thức đang chờ đợi chính quyền Tổng thống Trump. Dưới đây là 3 thách thức thương mại lớn nhất của Tổng thống Trump trong năm 2020 sắp tới:

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom. Ảnh: AP

Đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều Tiên

Mỹ luôn theo sát Triều Tiên để xem xét dấu hiệu về khả năng phóng tên lửa hoặc vũ khí hạt nhân. Bình Nhưỡng còn cảnh cáo tặng “Quà Giáng sinh” nếu Washington không thể thực hiện được thời hạn chót cuối năm 2019 mà Chủ tịch Kim Jong-un đưa ra để khôi phục đàm phán hạt nhân.

Bất cứ cuộc thử nghiệm tên lửa liên lục địa nào cũng có thể gây tổn hại đến ngoại giao đàm phán mà Tổng thống Trump đã mở ra với Chủ tịch Kim Jong-un trong năm 2018.

Washington chưa chấp nhận thực hiện theo yêu cầu của Chủ tịch Kim Jong-un với hạn định cuối năm 2019 nhưng đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun lại khẳng định cánh cửa cho đàm phán vẫn được mở.

Sau năm 2017 nhiều “lời qua tiếng lại”, quan hệ giữa hai quốc gia bắt đầu có thay đổi khi Tổng thống Trump gặp gỡ Chủ tịch Kim Jong-un tới 3 lần, lần đầu ở Singapore tháng 6/2018, tại Việt Nam tháng 2/2019, tiếp đó là vào tháng 6 ở Khu vực Phi quân sự ngăn cách Hàn Quốc-Triều Tiên.

Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã gia tăng kể từ năm 2018 sau khi Tổng thống Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Nhà lãnh đạo Mỹ đánh giá thỏa thuận này là “một chiều” và tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Iran. Mục đích của Tổng thống Trump áp đặt lệnh trừng phạt gây sức ép kinh tế là nhằm buộc Iran phải vào bàn đàm phán và chấp thuận nhượng bộ.

Đáp lại, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết các chuyên gia hạt nhân nước này đang thử nghiệm một loại máy ly tâm tiên tiến mới.

Vào đầu tháng này, đã có đột phá về ngoại giao khi học giả người Mỹ Xiyue Wang vốn bị giam giữ tại Iran trong 3 năm đã được thả tự do để trao đổi với một nhà khoa học người Iran tại Mỹ.

Iran cho biết có thể sẽ sắp xếp các cuộc trao đổi tù binh khác nhưng dự kiến không có thêm đàm phán giữa Tehran và Washington.

Chú thích ảnh
Tổng thống Donald Trump khi thăm các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan. Ảnh: AP

Afghanistan

Tổng thống Trump luôn muốn chấm dứt hiện diện quân sự tại Afghanistan nhưng các chuyên gia lại lo ngại diễn biến này là nhượng bộ Taliban.

Ngày 29/12 vừa qua, các lãnh đạo Taliban đã thống nhất ngừng bắn tạm thời trên toàn quốc nhưng không xác nhận chi tiết về thời điểm có hiệu lực và sự kiện này sẽ diễn ra trong bao lâu. Một lệnh ngừng bắn có thể mở ra thỏa thuận hòa bình giữa Taliban và Mỹ đồng thời tạo điều kiện để Tổng thống Trump rút binh sĩ từ Afghanistan quay trở về nhà.

Mỹ chủ trương muốn đạt được thỏa thuận với Taliban và phía Taliban phải cam kết rằng Afghanistan sẽ không trở thành “căn cứ” của các nhóm khủng bố. Tổng thống Trump trong lần thăm các binh sĩ Mỹ tại Afghanistan vào dịp Lễ Tạ ơn đã chia sẻ: “Chúng ta sẽ xem liệu họ có muốn thực hiện một thỏa thuận không”.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham khi đến thăm Kabul trong tháng 12 này cho biết Tổng thống Trump có thể tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan trước cuối năm. Ông Lindsey Graham đồng thời nói rằng từ năm 2020 tới Tổng thống Trump có thể giảm quân số tại Afghanistan từ 12.000 người xuống chỉ còn 8.600 người.

Trong khi đó, Taliban tuyên bố bất cứ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải bao gồm nội dung rút mọi binh sĩ Mỹ ra khỏi Afghanistan. Ngày 30/12, Taliban thậm chí còn bác bỏ việc nhất trí ngừng bắn.

Hà Linh/Báo Tin tức
Xu hướng tiếp diễn bất ổn tại Trung Đông trong năm 2020
Xu hướng tiếp diễn bất ổn tại Trung Đông trong năm 2020

Bài viết mới đây trên trang mạng gulfnews nhận định nếu năm 2019 được đánh dấu bằng hàng loạt cuộc biểu tình quần chúng lớn tại Trung Đông thì năm 2020 tình hình hỗn loạn và bất ổn chính trị ở khu vực này vẫn không có xu hướng lắng dịu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN