Khó khăn của Trung Quốc khi đồng nhân dân tệ tăng giá

Đồng nhân dân tệ đã tăng giá mạnh hơn kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc bùng phát.

Chú thích ảnh
Đồng nhân dân tệ đã tăng giá mạnh trong thời gian qua. Ảnh: AP

Đồng nhân dân tệ đã tăng 10% giá trị trong năm qua, gần đây còn vượt mức 6,4 nhân dân tệ đổi 1 USD. Kênh CNN (Mỹ) đánh giá diễn biến này thực tế gây khó cho Bắc Kinh. Khi đồng nội tệ tăng giá trị quá nhanh, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ kém cạnh tranh, ảnh hưởng tới khôi phục kinh tế. Xuất khẩu đi lên giúp Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021 và đây cũng là lĩnh vực có lượng lớn người lao động nước này.

Ổn định tài chính cũng là vấn đề đáng lo ngại. Lượng lớn dòng tiền có tính đầu cơ đổ vào Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ bong bóng tài sản và gây lạm phát. Ngoài ra, các nhà phân tích tại Goldman Sachs nhận định đồng nhân dân tệ sẽ giữ mức giá cao trong một thời gian, ngay cả khi điều này khiến Bắc Kinh không thấy thoải mái.

Nhà chiến lược thị trường Chaoping Zhu tại JP Morgan Asset Management cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẵn sàng chấp nhận đồng nội tệ tăng giá. Ông Chaoping Zhu cũng bổ sung rằng qua một nghiên cứu thực hiện trong tháng 6 có thể thấy PBoC cố gắng xử lý tình trạng leo thang giá thép và nhiều vật liệu xây dựng khác, vốn đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch cơ sở hạ tầng nhiều tham vọng của Trung Quốc.

Cố vấn cấp cao chính phủ Trung Quốc, ông Sheng Songcheng chia sẻ với hãng thông tấn Xinhua: “Phải ngăn chặn dòng tiền lớn có tính chất đầu cơ bởi chúng có thể gây rối loạn thị trường tài chính và gây ra vấn đề với chính sách đồng tiền độc lập của chúng ta”.

Trước diễn biến này, trong tháng 6, Bắc Kinh tuyên bố sẽ nâng tỷ lệ dự trữ ngoại hối 2 điểm phần trăm lên 7%. Đây sẽ là lần tăng đầu tiên trong 14 năm qua.

Điều này buộc các ngân hàng phải giữ nhiều tài sản ngoại hối hơn để thắt chặt nguồn cung ngoại hối ra thị trường, giảm áp lực lên đồng nhân dân tệ.

Đây là động thái hiếm thấy của ngân hàng trung ương vốn tuyên bố tránh can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ từ năm 2017. Điều này còn là dấu hiệu cho thấy giới chức Trung Quốc sẵn sàng áp dụng thêm các bện pháp khi cần thiết.

Nhưng chắc chắn Mỹ sẽ phản ứng nếu chính phủ Trung Quốc can thiệp để “hãm phanh” đồng nhân dân tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Mỹ từ lâu luôn để mắt đến động thái của Bắc Kinh với giá trị đồng nhân dân tệ. Năm 2019, chính quyền cựu Tổng thống Trump xếp Trung Quốc vào nhóm “thao túng tiền tệ” và cáo buộc ngân hàng trung ương nước này tạo điều kiện để hạ giá đồng nhân dân tệ ở thời điểm xảy ra chiến tranh thương mại. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này

Do vậy các chuyên gia quan ngại nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc chưa hề thuyên giảm.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bùng phát từ giữa năm 2018, hai nước liên tiếp trả đũa nhau bằng các mức thuế mới. Vào tháng 1/2020, Trung Quốc và Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại “Giai đoạn Một”. Qua đó, Trung Quốc cam kết nhập khẩu thêm đậu nành và nhiều sản phảm xuất khẩu khác của Mỹ. Bên cạnh đó Trung Quốc chấp nhận ngưng gây áp lực để các công ty phải chuyển giao công nghệ khi muốn hoạt động ở thị trường tỷ dân này.

Hà Linh/Báo Tin tức
Tổng thống Biden sẽ gặp Tổng thư ký NATO trước thềm hội nghị thượng đỉnh
Tổng thống Biden sẽ gặp Tổng thư ký NATO trước thềm hội nghị thượng đỉnh

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gặp Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tại Nhà Trắng trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối quân sự này ngày 14/6.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN