Nền kinh tế lớn nhất châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào khí đốt của Nga và đang phải chạy đua lấp đầy kho dự trữ để đối phó với mùa Đông có nguy cơ thiếu khí đốt. Trong một tuyên bố, Bộ Kinh tế Đức cho biết nguồn cung khí đốt của nước này đã được tăng cường cho mùa Đông tới khi lượng dự trữ trong ngày 14/10 vượt mức trung bình 95% công suất, cụ thể ở mức 95,14%.
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã gọi đây là một "cột mốc quan trọng". Ông cho biết các biện pháp của chính phủ thông qua mới đây đã giúp điều tiết thị trường khí đốt và do đó nước này có thể lấp đầy kho dự trữ sớm hơn dự kiến dù Nga đã ngừng giao khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. Theo Bộ Kinh tế Đức, dự trữ khí đốt của nước này vào tháng 10/2021 - vài tháng trước khi xảy ra cuộc xung đột ở Ukraine, ở mức 72%.
Tháng 7 vừa qua, Đức đã thông qua một loạt biện pháp để tăng dự trữ khí đốt lên mức 95% công suất vào tháng 11. Chính phủ Đức cho biết các biện pháp tiết kiệm năng lượng áp dụng trong những tuần gần đây và việc mua lượng lớn khí đốt từ các nhà cung cấp khác đã giúp tăng dự trữ khí đốt của nước này.
Đức đã chi 1,5 tỷ euro (1,46 tỷ USD) để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó Qatar và Mỹ là các nhà cung cấp chính. Nước này có kế hoạch xây dựng thêm 5 kho chứa và tiếp nhận LNG nhập khẩu. Trong khi đó, Pháp cho biết đã bắt đầu vận chuyển khí đốt tự nhiên đến Đức như một phần cam kết của Paris nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết trong Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc khủng hoảng năng lượng. Berlin cũng đã đưa ra các biện pháp cho phép tăng mức tiêu thụ điện than và giảm tiêu thụ năng lượng tại các tòa nhà công cộng.
Ngày 12/10, Bộ trưởng Kinh tế Habeck thừa nhận nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023 do hậu quả từ những tác động của cuộc chiến kinh tế giữa Nga với phương Tây. Ông cho biết kinh tế Đức có thể sẽ giảm 0,4% trong năm tới, thay vì tăng trưởng 2,5% như dự báo vào mùa Xuân. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng năm 2022 cũng được điều chỉnh giảm xuống còn 1,4%, thay vì mức 2,2% theo dự báo trước đó.