Phi công nghiệp hóa không còn là xu hướng mới đối với các nước phương Tây. Kể từ những năm 1970, các ngành công nghiệp ở châu Âu và Mỹ đã chuyển ra khỏi lãnh thổ vì nhiều lý do. Nhưng làn sóng phi công nghiệp hóa mới nhất mà châu Âu đang phải đối mặt lần này phần lớn chịu tác động từ một yếu tố duy nhất, đó là chi phí năng lượng tăng kéo theo lạm phát.
Giá điện và khí đốt trong năm này tăng vọt do cuộc xung đột Nga-Ukraine. Trong một bức thư gửi tới các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Hiệp hội công nghiệp châu Âu Eurometaux lên tiếng báo động về cuộc khủng hoảng năng lượng leo thang đang đặt ra một mối đe dọa hiện hữu đối với ngành công nghiệp châu lục, kêu gọi các nhà lãnh đạo EU và các quốc gia thành viên thực hiện hành động khẩn cấp để duy trì các ngành công nghiệp chiến lược sử dụng nhiều năng lượng và ngăn chặn tình trạng không có việc làm vĩnh viễn.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Financial Times, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nhấn mạnh nếu không có sự can thiệp vào thị trường khí đốt, EU sẽ đứng trước rủi ro với làn sóng phi công nghiệp hóa lớn ở lục địa và hậu quả kéo theo sẽ rất nặng nề.
Theo hãng thông tấn Tân Hoa, giá năng lượng tăng cao chưa từng có đã gây tổn thất cho các công ty châu Âu. Các tập đoàn cho biết họ đã buộc phải giảm hoặc tạm dừng hoạt động hoặc chuyển đầu tư sang Mỹ để giảm chi phí sản xuất.
Cụ thể, nhà sản xuất nhôm Hà Lan Aldel cho biết họ đang ngừng sản xuất nhôm sơ cấp vì giá điện tăng cao. Trong khi đó, nhà sản xuất phân bón Yara Sluiskil của nước này thông báo đóng cửa nhà máy.
Ngân hàng Rabobank có trụ sở tại Hà Lan dự báo các công ty sử dụng nhiều năng lượng như các công ty trong ngành công nghiệp hóa chất, giấy, gia công kim loại, cao su và nhựa sẽ buộc phải giảm hoặc ngừng sản xuất trong tương lai.
Nicolas de Warren, Chủ tịch Uniden - liên đoàn các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng tại Pháp – chia sẻ các công ty sử dụng nhiều năng lượng ở Pháp không còn khả năng sản xuất các sản phẩm với giá cả cạnh tranh.
Eurometaux chỉ ra công suất sản xuất nhôm và kẽm của EU đã giảm 50% do cuộc khủng hoảng điện năng. Các hoạt động trong sản xuất sắt, đồng và niken cũng bị giảm đáng kể.
Giá năng lượng tăng cao đã khiến dòng vốn đầu tư từ châu Âu sang Mỹ tăng lên. Truyền thông Đức đưa tin các tập đoàn lớn như hãng vận tải Đức Lufthansa, tập đoàn đa quốc gia Siemens, chuỗi siêu thị Aldi và công ty chăm sóc sức khỏe Fresenius đã cùng nhau đầu tư thêm 300 triệu USD vào bang Oklahoma (Mỹ).
Ngành công nghiệp ô tô của Đức cũng tăng cường đầu tư vào Mỹ. Vào tháng 6, Volkswagen đã đặt nền móng xây dựng một cơ sở thử nghiệm mới ở bang Tennessee và cam kết đầu tư 7,1 tỷ USD trong một hợp đồng với nhà cung cấp ở Bắc Mỹ đến năm 2027. Các thương hiệu ô tô khác như Mercedes-Benz và BMW cũng có những dự án đầu tư tương tự.
“Ông lớn” dược phẩm Bayer của Đức đã đầu tư 100 triệu USD vào một trung tâm công nghệ sinh học ở Boston, bang Massachusetts. Tập đoàn hóa chất Evonik Industries cũng thành lập một trung tâm đổi mới ở Pennsylvania và cam kết đầu tư hơn 200 triệu USD cho một cơ sở sản xuất ở Indiana. Tập đoàn hóa chất hạng nặng BASF tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 3,9 tỷ USD vào Bắc Mỹ đến năm 2026.
Theo Hiệp hội Phát triển Kinh tế Virginia, số lượng các công ty Đức có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại bang này đã tăng từ 2 công ty vào năm 2021 lên 6 công ty trong năm nay.
Oliver Falck, Giám đốc Trung tâm ifo về Tổ chức Công nghiệp và Công nghệ mới ở Đức, cho biết nếu giá năng lượng vẫn duy trì mức cao, một số ngành công nghiệp sẽ rời bỏ nước Đức mãi mãi.
Một số người trong ngành lo ngại Đức có thể mất lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn nhất châu Âu.