Theo phân tích của tờ báo tiếng Arab, mặc dù khí đốt của Algeria đã trở thành nguồn hy vọng về an ninh năng lượng cho Tây Ban Nha, Italy, Pháp và thậm chí cả Đức, nhưng các yếu tố trong nước và mong muốn của Algeria trong duy trì quan hệ tốt với Moskva có thể ngăn nước này trở thành “vị thần chữa lành” năng lượng mà châu Âu đang tìm kiếm.
Hy vọng về nguồn cung khí đốt của Algeria
Algeria - nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất ở châu Phi và lớn thứ 7 trên thế giới trong năm 2020 – có trữ lượng khí đốt ít nhất khoảng 4,5 nghìn tỷ m3. Algeria sở hữu mạng lưới đường ống dẫn khí chạy dài từ những cánh đồng rộng lớn ở trung tâm và phía nam đất nước, đưa nhiên liệu đến Iberia và cực nam của Iatly. Quốc gia này cũng sở hữu 2 nhà máy khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn ở Arzew và Skikda dọc bờ biển Địa Trung Hải. Điều này giúp Algeria dễ dàng vận chuyển LNG bằng tàu chở dầu tới nhiều điểm đến khác ở châu Âu.
Tuy nhiên, tờ Rai Al Youm chỉ ra rằng phần lớn cơ sở hạ tầng năng lượng của Algeria đang cũ dần và nhu cầu tiêu thụ nội địa gia tăng. Đây là hai yếu tố đang cản trở quá trình thúc đẩy gia tăng sản lượng của nước này.
Một số công ty năng lượng châu Âu - bao gồm Công ty Eni của Italy, Total của Pháp, Equinor của Na Uy và Wintershall của Đức – đều đã hoạt động tại quốc gia giàu khí đốt này. Họ cũng hợp tác với tập đoàn năng lượng quốc doanh khổng lồ Sonatrach của Algeria trong hàng loạt các dự án.
Riêng Italy đã nhập khẩu khoảng 21 tỷ m3 khí đốt từ Algeria vào năm 2021. Nước này cũng đã ký thỏa thuận cung cấp thêm 9 tỷ m3 từ năm 2023 đến năm 2024 - tương đương với khoảng 12% lượng tiêu thụ khí đốt hàng năm của Rome. Trong khi đó, Wintershall đã ký hợp đồng với Algeria, dự kiến sản xuất 2,8 tỷ m3 khí đốt hàng năm cho đến năm 2041.
Kế hoạch cắt nguồn cung khí đốt Nga của châu Âu đã thúc đẩy Pháp và Tây Ban Nha thảo luận về việc hồi sinh MidCat - dự án đường ống dẫn khí dài 190 km. Nếu hoạt động trở lại, dự án này sẽ bơm khí đốt tự nhiên của Algeria qua dãy Pyrenees, đến Barbaira ở miền nam nước Pháp. Được đề xuất vào năm 2003, dự án MidCat từng bị bỏ dở vào năm 2019 sau khi gây tranh cãi về chi phí và tác động tới môi trường.
Ngoài ra còn có những cân nhắc về địa chính trị. Tháng trước, Algeria đe dọa sẽ chấm dứt xuất khẩu khí đốt sang Tây Ban Nha, nếu Madrid cố gắng bán lại khí đốt cho các quốc gia khác. Algeria chỉ ra rằng Tây Ban Nha đã chuyển khí đốt cho Maroc, quốc gia đang xảy ra tranh chấp với Algeria về khu vực Tây Sahara. Chính phủ Tây Ban Nha ngay lập tức tuyên bố sẽ ngừng hành động này.
Maroc đã mất quyền tiếp cận nguồn cung khí đốt tự nhiên thông qua đường ống từ Algeria vào tháng 10/2021, sau khi thỏa thuận phân phối khí đốt kéo dài 25 năm hết hạn.
Yếu tố Nga
Tờ Rai Al Youm cho rằng Nga sẽ “không ngồi yên” khi châu Âu tìm cách kết thân với Algeria để nhập khẩu năng lượng. Đầu tháng này, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tới Algeria nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong chuyến thăm hôm 10/5, ông Lavrov nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị và bền chặt giữa Nga và Algeria, đồng thời chỉ ra các kế hoạch tăng cường hợp tác kinh tế, năng lượng và quân sự, đồng thời thực hiện hiệp ước năm 2001 nhằm mở rộng quan hệ song phương chiến lược.
Algeria là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nga ở châu Phi sau Ai Cập. Hai quốc gia đã có mối quan hệ bền chặt từ thời Liên Xô, khi Moskva ủng hộ cuộc chiến giành độc lập của Algeria trước Pháp. Nga cũng đã gửi viện trợ giúp Algeria xây dựng lại nền kinh tế sau khi giành được độc lập vào năm 1962.
Trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov, hồi tháng 3, Algeria cũng đã đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ông Blinken là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm quốc gia châu Phi này sau 22 năm. Tại đây, ông đã thảo luận về vấn đề an ninh khu vực, hợp tác kinh tế và vấn đề nhân quyền với những người đồng cấp Algeria.
Tờ Rai Al Youm nhận định rằng chuyến thăm này có thể gây “áp lực từ Mỹ cho Algeria để nước này tăng cường cung cấp khí đốt cho châu Âu”. Cuối cùng, tờ báo này nhấn mạnh Algeria sẽ không thể “cứu” châu Âu hoặc “thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga”.
Tiến sĩ Hussein Kadri, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Algiers, cho rằng Algeria đang ở “giữa 2 tình thế cực kỳ khó khăn” trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ông Kadri nói với Sky News Arabia: “Algeria có thể là một lựa chọn thay thế, nhưng nước này cũng cần cân nhắc vì công suất năng lượng không cho phép Algeria thay thế khí đốt của Nga trong ngắn hạn”.
Algeria là một trong số các cường quốc năng lượng ở châu Phi mà châu Âu đang nỗ lực tìm kiếm để thay thế nguồn cung dầu và khí đốt của Nga. Hồi tháng 3, các quan chức châu Âu đã đến Nigeria để thảo luận về “mối quan hệ đối tác tiềm năng được củng cố” trong lĩnh vực năng lượng. Đầu tháng này, hãng tin Bloomberg dẫn một tài liệu dự thảo của Liên minh châu Âu (EU) cho biết các quốc gia ở châu Phi – như Nigeria, Senegal và Angola – có tiềm năng lớn về khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) chưa được khai thác. Theo đó, Ủy ban châu Âu sẽ công bố kế hoạch hợp tác năng lượng với các quốc gia Tây Phi theo một phần nỗ lực cắt giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga trong bối cảnh chiến dịch quân sự đang leo thang tại Ukraine.
“Đòn tự sát” kinh tế
Các nước châu Âu đã dành nhiều tháng để tìm cách giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga. Gần đây, Ủy ban châu Âu đề xuất áp lệnh cấm vận dầu mỏ Nga trong gói biện pháp trừng phạt thứ 6 được đề xuất. Hungary đã ngăn chặn đề xuất này, cho rằng lệnh cấm đối với dầu của Nga sẽ tương đương với việc thả một “quả bom nguyên tử” xuống nền kinh tế nước này.
Bình luận về đề xuất trừng phạt trên, Tổng thống Vladimir Putin cho biết một số quốc gia EU sẽ không thể từ bỏ dầu của Nga trong một thời gian dài. Ông cảnh báo châu Âu sẽ đối mặt với giá năng lượng và lạm phát cao hơn do đề xuất cấm vận dầu mỏ của Nga, đồng thời lưu ý: “Một vụ tự sát kinh tế như vậy là chuyện nội bộ của các nước châu Âu”.