Khi bê bối FIFA là những toan tính địa chính trị

Vụ bê bối gần đây liên quan đến Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) không xuất phát từ vấn đề tham nhũng, đằng sau đó là các toan tính địa chính trị.

Đưa hối lộ và những hợp đồng sau bức màn kín liên quan đến FIFA đã diễn ra trong nhiều thập kỉ. Đây là một tổ chức đầy quyền lực, gắn với quyền lực mềm và danh tiếng ở cấp độ toàn cầu, đi kèm với đó là một ngành kinh doanh nhiều lợi nhuận. Vụ bắt giữ, điều tra các quan chức FIFA đã trở thành một mũi nhọn trong cuộc chiến nhiều mặt mà Mỹ và đồng minh phát động nhằm chống Nga. Và dường như chiến tranh năng lượng, chiến tranh tiền tệ đã bị đẩy lại phía sau cuộc chiến FIFA. Ông Chủ tịch Joseph Blatter chính là nạn nhân của cuộc chiến này.

Các điều tra viên dẫn giải các quan chức FIFA bị bắt giữ tại Thụy Sĩ. Ảnh: AFP


Lùi lại thời điểm năm 2005. Ông Blatter đã từ chối hùa theo trò chơi địa chính trị của Washington. Dưới quyền lãnh đạo của ông, FIFA đã thẳng thừng từ chối đề nghị của Bộ Ngoại giao Mỹ không cho đội tuyển bóng đá Iran tham dự kì World Cup 2006, không kết nạp vùng lãnh thổ Palestine vào tổ chức bóng đá lớn nhất hành tinh này.

Không chỉ Mỹ và Anh buồn lòng vì thua cuộc trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2018, World Cup 2022, hai nước này còn gây sức ép với FIFA nhằm chống Nga. Cuộc “đảo chính ngầm” tại FIFA do Mỹ phát động nhằm loại trừ Chủ tịch Blatter xuất phát từ việc ông đã từ chối tham dự chiến dịch của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chống Moskva.

Khi phương Tây tìm cách chính trị hóa bóng đá

Sau khi tái đắc cử chức Chủ tịch tại cuộc bỏ phiếu ở Đại hội đồng FIFA, ông Blatter bất ngờ đưa ra tuyên bố từ chức vào ngày 2/6 vừa qua. Lý do được cho là sức ép từ nhiều phía. Các báo cáo do truyền thông Mỹ, châu Âu đăng tải liên tục đề cập đến việc ông bị chính quyền Mỹ điều tra vì nghi có dính líu tới các tiêu cực ở FIFA.

Mỹ và nhiều nước châu Âu hiểu rằng không thể lật đổ được Blatter chỉ bằng hình thức bỏ phiếu. Tại châu Á, ngoại trừ Australia, tất cả 47 thành viên thuộc Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đều được cho là ủng hộ đương kim chủ tịch FIFA. Tại Liên đoàn Bóng đá châu Phi (CAF), con số ủng hộ ông Blatter thậm chí còn lớn hơn, với 54 nước. Các quan chức thuộc Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) là những người “to tiếng” nhất đòi tẩy chay FIFA và cá nhân ông Blatter. Thế nhưng ngay trong nội bộ các nước thành viên châu Âu cũng có sự chia rẽ. Ngoại trừ một số nước như Pháp, Tây Ban Nha, Anh, có đến 18 nước khác trong đó có Armenia, Belarus, Phần Lan, Kazakhstan, được cho là đã bỏ phiếu cho Chủ tịch Blatter. Ở châu Mỹ, Mỹ và Canada cũng trở nên lạc lõng khi đa số các thành viên Liên đoàn bóng đá Bắc Trung Mỹ và Caribe (CONCACAF) hậu thuẫn ông Blatter.

Thực tế, “tham nhũng, hối lộ” chỉ là công cụ để Mỹ và nhiều nước khác đạt được mục đích, nó tràn lan trong cả UEFA nhưng lại được lờ đi. Thiago Cassis, một cây bút chuyên viết về bóng đá người Brazil bình luận, scandal FIFA là sự kết dính của những tính toán chính trị, kinh tế và quyền lực ảnh hưởng. Theo ông, có vẻ như phương Tây không hài lòng trước thực tế: 2 kì World Cup gần nhất được tổ chức tại Nam Phi và Brazil, nay lại đến lượt Nga và cả 3 nước này đều thuộc nhóm các nền kinh tế đang nổi (BRICS). Nhiều chuyên gia khác thì nhìn nhận, toàn bộ vở kịch không phải là chống tham nhũng, mà là “giành lại quyền lực”.

Đáng chú ý, toàn bộ các quan chức bị bắt tại Thụy Sĩ 24 giờ trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch FIFA đều là những người Nam Mỹ. Có hàng loạt những câu hỏi nghi vấn được đặt ra: Tại sao lại chỉ là những quan chức Nam Mỹ và lại bắt ở Thụy Sĩ? Tại sao không thông qua tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) để phối hợp với các nước sở tại? Phải chăng ai đó thừa hiểu rằng việc dẫn độ công dân từ Nam Mỹ tới Mỹ là điều không thể? Lý do nằm ở chỗ, Mỹ và các đồng minh châu Âu hiểu rằng ông Blatter có chỗ dựa “quá vững chắc” từ các khu vực châu Á và châu Phi, nên vụ bắt giam này là để buộc các thành viên CONCACAF quay sang bỏ phiếu cho hoàng tử Ali (Jordan) trong cuộc đua giành ghế chủ tịch FIFA.

Bê bối tại FIFA không liên quan đến phẩm giá. Sự thật là cuộc chơi địa chính trị và quản lý thế giới. Ông Blatter buộc phải từ chức vì đã từ chối rút lại quyết định giành quyền đăng cai World Cup 2018 của Nga, kiên quyết không tổ chức lại cuộc chạy đua tìm kiếm nước chủ nhà của hai kì World Cup tới. Diễn biến tới đây sẽ kịch tính hơn, khi ngay trong FIFA đã có ý kiến cho rằng không loại trừ trường hợp Nga, Qatar sẽ bị tước quyền tổ chức World Cup 2018, World Cup 2022, nếu tiến trình điều tra cho thấy những bằng chứng rõ ràng về hành vi tham nhũng, hối lộ.

Hoài Thanh (Theo Strategic Culture Foundation)
Điều tra FIFA, Mỹ sẽ thế chỗ Qatar làm chủ nhà World Cup 2022?
Điều tra FIFA, Mỹ sẽ thế chỗ Qatar làm chủ nhà World Cup 2022?

Mỹ đang "mừng thầm" trước khả năng sẽ được thế chỗ Qatar để là nước chủ nhà của World Cup 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN