Mỹ là nước về nhì trong cuộc đua giành quyền đăng cai tổ chức World Cup 2022 và chắc chắn sẽ có ưu thế lớn nếu các cuộc điều tra chứng minh được Qatar đã hối lộ các quan chức Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) để được là nước chủ nhà của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Khi Qatar giành chiến thắng trong năm 2010, Mỹ là nước nhận được nhiều phiếu ủng hộ thứ hai. Một cựu quan chức cấp cao người Mỹ nói với tờ The Daily Beast rằng, quyền đăng cai World Cup 2022 sẽ được trao lại cho “người về nhì”, một số nguồn tin khác thì nói rằng, việc bỏ phiếu lại sẽ là cuộc đấu tay đôi giữa Mỹ và Australia.
Các điều tra viên Thụy Sĩ dẫn giải quan chức FIFA bị tình nghi nhận hối lộ. Ảnh: AFP |
Hôm 3/6, một quan chức của Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tiết lộ với hãng tin Reuters rằng, tiến trình chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2018, World Cup 2022 của Nga và Qatar là một phần trong cuộc điều tra mà cơ quan này đang tiến hành liên quan đến bê bối của FIFA. Nếu tìm ra những bằng chứng về hối lộ, rửa tiền, gian lận mà quốc gia nhỏ bé giàu dầu lửa Qatar phạm phải, tân Chủ tịch FIFA sẽ phải đứng trước sức ép rất lớn trước quyết định có rời giải đấu ở vùng hoang mạc đến các sân vận động ở Mỹ hay không.
Hugh Robertson, Bộ trưởng Thể thao Anh năm 2010 cũng cho rằng, Mỹ ở vị thế thuận lợi nhất để giành quyền đăng cai từ Qatar, vì “nếu chứng minh có tham nhũng, thì một cách thức để quyết định là trao cho người về nhì”. Tuy nhiên, ông này cũng nhấn mạnh Qatar chỉ mất quyền nếu các hành vi hình sự được chứng minh một cách rõ ràng.
Đương kim Liên đoàn Bóng đá Anh Greg Dyke thậm chí còn phát biểu mạnh hơn khi nói rằng nếu các công tố viên Thụy Sĩ tìm thấy bằng chứng về nguồn tiền bất hợp pháp trong cuộc đua hồi năm 2010 thì cần phải bỏ phiếu lại. “Rất có thể nó sẽ là cuộc đua song mã giữa Mỹ và Australia - những nước từng thất bại trước Qatar”, ông Dyke chia sẻ với kênh BBC.
Về phần mình, các quan chức bóng đá Mỹ từ chối bình luận về tác động từ cuộc “khủng hoảng FIFA” đến kì World Cup 2022; các cơ quan liên quan cũng không trả lời câu hỏi liệu Mỹ đã sẵn sàng để thế chân Qatar hay không.
Liên quan đến tiến trình điều tra, FBI cho biết cơ quan này đã điều tra việc Qatar tham gia cuộc đua từ tháng 9/2011. Các tài liệu cho thấy Phaedra Almajid, một nhân viên người Qatar khai nhận với các nhà điều tra Mỹ rằng đã chứng kiến việc đưa hối lộ khoản tiền 1,5 triệu USD để có được sự ủng hộ của 3 thành viên châu Phi thuộc Ban điều hành FIFA. Charles Blazer - công dân Mỹ từng là thành viên trong Ban điều hành FIFA cũng khai nhận rằng ông từng nhận các khoản hối lộ liên quan đến việc ủng hộ Nam Phi tổ chức World Cup 2010.
Trong cuộc đua hồi năm 2010, Mỹ trình ra bản kế hoạch xây dựng 21 khu tổ hợp bóng đá. Trước khi bỏ phiếu, báo cáo của FIFA cũng ghi nhận bản đăng ký của Mỹ là tốt nhất về mặt kĩ thuật. Qatar thì bị cho là thiếu cơ sở hạ tầng, cùng với đó là lo ngại về khả năng an toàn của các cầu thủ, khi phải thi đấu dưới nền nhiệt độ có thể lên tới 500C. Tuy nhiên, phần thắng cuối cùng vẫn thuộc về Qatar.
Trước những diễn biến mới được cho là bất lợi này, Ngoại trưởng Qatar Khaled al-Attiyah nói rằng nước bị đối xử không công bằng. “Tôi tin là có định kiến và tư tưởng phân biệt khi mở chiến dịch chống lại Qatar. Ai đó có thể rất khó tiêu hóa thực tế một nước Hồi giáo Arập lại được quyền đăng cai giải đấu, như thể quyền này không dành cho một nước Arập”. Một số chuyên gia khác thì nhìn nhận, vụ việc cần được xem xét kĩ. Nếu quyền đăng cai tuột khỏi tay Qatar và sang nước Mỹ, thì có thể hàng loạt các hệ quả chính trị khác, không loại trừ là sự trỗi dậy của phong trào Intifada lần thứ ba, khi mà quá nhiều người ở Trung Đông lấy làm tự hào trước việc Qatar là nước chủ nhà của World Cup 2022.