Khai thác dầu ở Malvinas, công ty Anh bị kiện

Ngày 4/6, Áchentina tuyên bố việc khai thác dầu mỏ của Anh ở quần đảo Malvinas - phía Anh gọi là Falkland là bất hợp pháp, đồng thời khởi kiện 5 công ty dầu mỏ của Anh tiến hành các hoạt động khai thác tại quần đảo đang có tranh chấp này.

 

Tổng thống Áchentina Cristina Kirchner tuyên bố hoạt động tìm kiếm dầu mỏ của Anh là "bất hợp pháp và lén lút", đồng thời cáo buộc các công ty khai thác dầu của Anh vi phạm chủ quyền của Áchentina. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Áchentina nêu rõ chính phủ sẽ sớm thông báo về việc này cho Bộ Tài chính Anh, Cơ quan dịch vụ tài chính Anh (FSA) và Thị trường chứng khoán New York.

 

Mâu thuẫn về vấn đề chủ quyền đảo Malvinas giữa Anh và Áchentina chưa có lời giải. Nguồn: Internet.

 

Anh ngay lập tức phản bác, cho rằng cư dân trên đảo có quyền khai thác nguồn tài nguyên của họ và chính Buenos Aires mới là bên phạm luật với hàng loạt hoạt động từ quấy rầy các tàu mang cờ Phoóclen đến đe dọa tuyến đường hàng không từ đảo này tới Chilê. Người phát ngôn Văn phòng Đối ngoại của Anh tuyên bố những việc làm của Áchentina đối với Phoóclen là vô lý và hoàn toàn phản tác dụng.

 

Bản tin của Văn phòng Bộ trưởng Năng lượng Áchentina ngày 5/6 đăng danh sách các công ty dầu mỏ của Anh bị kiện bao gồm Desire Petroleum, Falkland Oil & Gas, Rockhopper Exploration, Borders & Southern Petroleum và Argos Resources. Trước đó, ngày 22/3, Bộ Ngoại giao Áchentina đã cảnh báo các thị trường chứng khoán Niu Yoóc (New York) và Luân Đôn (London) về việc 5 công ty này sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt về “hành chính, dân sự và hình sự” do tìm kiếm dầu khí “bất hợp pháp” tại quần đảo tranh chấp Manvinát. Trong số các công ty dầu mỏ trên, Rockhopper Exploration xác nhận có kế hoạch phát triển giếng dầu Sea Lion ở phía Bắc hòn đảo ngay trong năm nay và bắt đầu khai thác dầu vào năm 2016.

 

Nằm ở Nam Đại Tây Dương, cách bờ biển Áchentina khoảng 650 km và cách Anh gần 8.000 km, quần đảo Phoóclen từ lâu được coi là điểm trung chuyển chiến lược và dồi dào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Căng thẳng giữa Anh và Áchentina liên quan quần đảo Manvinát/Phoóclen tăng nhiệt hai năm qua sau khi Anh cho phép các công ty thăm dò và khai thác dầu khí tại quần đảo tranh chấp. Với tổng diện tích vùng biển bao quanh có khả năng khai thác dầu khí lên tới 400.000 km2, Manvinát được các chuyên gia đánh giá có tiềm năng dầu khí khổng lồ.

 

Cách đây gần 30 năm, ngày 2/4/1982, chính quyền Áchentina từng cho quân đổ bộ lên Manvinát để lấy lại quần đảo bị Anh chiếm giữ từ năm 1833, song đã thất bại sau cuộc chiến kéo dài 74 ngày. Năm 1995, hai nước đã ký Tuyên bố chung về về hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển Manvinát, song Áchentina đã quyết định chấm dứt hiệu lực của văn bản này vào năm 2007 do Anh đơn phương tổ chức đấu thầu thăm dò và khai thác dầu khí ở đây. Đến nay, Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, tuy nhiên, phía Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền tại quần đảo này.

 

 

TTXVN/Tin tức

Áchentina phê phán Anh duy trì chế độ thực dân tại Malvinas
Áchentina phê phán Anh duy trì chế độ thực dân tại Malvinas

Ngày 2/4 tại thành phố Ushuaia, Tổng thống Áchentina Cristina Fernández phê phán Anh tiếp tục duy trì chế độ thực dân tại quần đảo Malvinas ở nam Đại Tây Dương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN