Hội nghị do Mỹ và Canada đồng chủ trì, với sự tham gia của đại diện ngoại giao đến từ 20 nước, trong đó có 11 ngoại trưởng. Các bên tham dự hội nghị khẳng định cần phải duy trì sức ép trừng phạt đối với Triều Tiên để buộc nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Các Ngoại trưởng chụp ảnh chung tại hội nghị. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phóng viên TTXVN tại Canada đưa tin, hội nghị mở đầu với màn biểu diễn chào mừng đang đậm truyền thống của người dân tộc bản địa Canada. Tiếp đó, Ngoại trưởng nước chủ nhà Chrystia Freeland, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã lần lượt có các bài phát biểu khai mạc hội nghị.
Theo bà Freeland, các nước tham dự hội nghị tại Vancouver phải nỗ lực nâng cao tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt hiện hành đối với Triều Tiên. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh "chúng ta phải tăng 'cái giá' mà Triều Tiên phải trả cho hành vi của mình, đến mức chính quyền Bình Nhưỡng phải bước vào bàn đàm phán để tiến hành những cuộc thảo luận đáng tin cậy".
Về phần mình, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha bày tỏ hy vọng đà can dự với Triều Tiên sẽ được duy trì sau Thế vận hội (Olympic) mùa Đông PyeongChang 2018 vào tháng 2 tới. Còn người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono cho rằng "hiện không phải thời điểm để giảm bớt sức ép hay trao thưởng cho Triều Tiên. Việc Bình Nhưỡng tiến hành đối thoại có thể được xem như bằng chứng cho thấy các biện pháp trừng phạt đang phát huy tác dụng".
Theo nghị trình, hội nghị sẽ được chia thành nhiều phiên thảo luận theo các chủ đề gồm Đánh giá tình hình hiện tại, Các biện pháp trừng phạt, Phi hạt nhân hoá, Ngoại giao và các bước đi tiếp theo. Kết thúc hội nghị sẽ có cuộc họp báo chung của Ngoại trưởng Freeland và người đồng cấp Mỹ Tillerson.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh đang có một số bước tiến tích cực trong quan hệ liên Triều với việc hai bên lần đầu tiên nối lại đàm phán cấp cao sau 2 năm đình trệ và Triều Tiên đang có kế hoạch cử đoàn vận động viên tới Hàn Quốc tham dự Thế vận hội (Olympic) mùa Đông PyeongChang 2018.
Tuy nhiên, sự vắng mặt của Nga và Trung Quốc - hai đối tác chủ chốt trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên - khiến cho các bên khó có thể tìm được một giải pháp ngoại giao toàn diện. Một số nguồn tin không chính thức cho biết hội nghị lần này chưa đặt mục tiêu tìm kiếm một giải pháp dài hạn và có thể Mỹ sẽ thúc đẩy các biện pháp nhằm ngăn chặn các tàu chở hàng cho Triều Tiên.
Sáng 16/1 (theo giờ địa phương), Ngoại trưởng nước chủ nhà Christia Freeland đã có cuộc gặp với người đồng cấp Anh Boris Johnson.
Theo phóng viên TTXVN tại Canada, cuộc gặp diễn ra chỉ nửa giờ trước khi các đại biểu của 20 nước bước vào phiên họp chính thức của hội nghị với màn biểu diễn chào mừng của người bản địa và các phát biểu khai mạc của ngoại trưởng 4 nước Canada, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trước đó ngày 15/1 bên lề Hội nghị Ngoại trưởng về an ninh và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên, Ngoại trưởng Freeland cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono. Cũng trong ngày 15/1, ngoại trưởng 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Canada đã có các cuộc gặp riêng rẽ với người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha để trao đổi về quan điểm và phản ứng của các bên đối với Triều Tiên trong bối cảnh cảnh quan hệ liên Triều có những diễn biến tích cực.
Theo nghị trình, hội nghị được chia thành nhiều phiên thảo luận theo các chủ để: Đánh giá tình hình hiện tại, Các biện pháp trừng phạt, Phi hạt nhân hoá, Ngoại giao và các bước đi tiếp theo. Kết thúc hội nghị sẽ có cuộc họp báo chung của Ngoại trưởng Freeland và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson.
Hội nghị Ngoại trưởng về an ninh và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên do Mỹ và Canada đồng chủ trì, với sự tham dự của các ngoại trưởng và quan chức ngoại giao cấp cao của 20 nước, gồm những nước đã gửi quân tham gia lực lượng đa quốc gia trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, trong đó có Australia, Anh, Pháp, Philippines và Thái Lan. Ngoài ra, Nhật Bản, Hàn quốc, Ấn Độ và Thụy Điển cũng được mời dự hội nghị. Giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ Brian Hook cho biết mục đích của cuộc họp nhằm "tìm kiếm các cơ chế thiết thực để tạo sức ép với Triều Tiên trong khi vẫn để ngỏ và thúc đẩy các phương án ngoại giao".
Có không ít ý kiến cho rằng hội nghị sẽ khó tìm được một giải pháp ngoại giao vì không có sự tham gia của Nga và Trung Quốc. Moskva và Bắc Kinh cũng chỉ trích hội nghị quá tập trung vào trừng phạt thay vì tìm cách hạ nhiệt thông qua đối thoại. Một quan chức chính phủ Canada xác nhận hội nghị lần này chưa đặt mục tiêu tìm kiếm giải pháp dài hạn, một cơ chế sẽ đòi hỏi có sự tham gia của cả Nga và Trung Quốc. Một số nhà quan sát lo ngại hội nghị sẽ “chọc giận” Bắc Kinh, đặc biệt khi Mỹ muốn thúc đẩy các biện pháp “khiêu khích” nhằm ngăn chặn các tàu chở hàng tới Triều Tiên.