Khai mạc Hội nghị COP16 về chống sa mạc hóa

Ngày 1/12, Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa (COP16) đã khai mạc tại thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, kêu gọi các nỗ lực toàn cầu nhằm tăng cường khả năng phục hồi sau hạn hán.

Diễn ra trong hai tuần đến ngày 13/12 với chủ đề "Đất đai của chúng ta. Tương lai của chúng ta", sự kiện này đánh dấu kỷ niệm 30 năm của Công ước LHQ về chống sa mạc hóa (UNCCD), cũng là hội nghị tập trung vào đất đai lớn nhất của LHQ cho đến nay, và là hội nghị COP đầu tiên của UNCCD diễn ra tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi.

Phát biểu khai mạc, Thư ký điều hành UNCCD, ông Ibrahim Thiaw nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục đất đai, mô tả đây là "một trong những công cụ hiệu quả nhất để giải quyết một số thách thức lớn nhất của thời đại như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực, bất bình đẳng kinh tế, di cư cưỡng bức và thậm chí là bất ổn toàn cầu".

Ông Thiaw lưu ý rằng đến năm 2050, có tới 7,5 tỷ người sẽ bị tác động của hạn hán, đồng thời kêu gọi hành động ngay lập tức. Ông nhấn mạnh: "Cùng nhau, chúng ta có thể đảo ngược xu hướng suy thoái đất đai và xây dựng một thế giới có khả năng phục hồi tốt hơn trước hạn hán".

Về phần mình, Bộ trưởng Môi trường, nước và nông nghiệp Abdulmohsen AlFadley cho biết hơn 3 tỷ người bị ảnh hưởng bởi tình trạng suy thoái đất mỗi năm do mất 100 triệu hécta đất, rừng và đồng cỏ. Điều này sẽ làm tăng mức độ di cư, ổn định và an ninh trong nhiều cộng đồng.

Tại COP16 lần này, các đại biểu dự kiến sẽ quyết định các hành động tập thể để đẩy nhanh các nỗ lực phục hồi đất, tăng cường khả năng phục hồi trước hạn hán và bão cát, phục hồi sức khỏe đất và mở rộng quy mô sản xuất lương thực tích cực với thiên nhiên vào năm 2030 và sau đó.

Bích Liên (TTXVN)
COP29 nỗ lực chống biến đổi khí hậu
COP29 nỗ lực chống biến đổi khí hậu

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), diễn ra tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11-24/11/2024, đã kết thúc với việc các quốc gia phát triển đã cam kết sẽ chi ít nhất 300 tỷ USD mỗi năm, từ nay đến năm 2035, để giúp các nước đang phát triển "xanh hóa" nền kinh tế và nâng cao khả năng ứng phó với thảm họa khí hậu. Sự kiện này được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định là đã đánh dấu “kỷ nguyên mới về hợp tác và tài chính khí hậu”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN