Khắc sâu tình đoàn kết liên minh chiến đấu Việt - Lào

Trong những ngày này, các đơn vị quân đội trên cả nước Lào đang nô nức tổ chức nhiều hoạt động chào mừng 75 năm thành lập Quân đội Nhân dân (QĐND) Lào (20/1/1949 - 20/1/2024).

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế Bệnh viện 103 Quân đội Lào kiểm tra sức khỏe bệnh nhân vừa mổ ghép thận thành công. Ảnh: Phạm Kiên/Phóng viên TTXVN tại Lào

Trong suốt 75 năm qua, QĐND Lào và QĐND Việt Nam không chỉ luôn kề vai sát cánh, hy sinh vì nhau trong công cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung giành độc lập cho đất nước, mà còn luôn tận tâm, tận lực giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, làm dày thêm lịch sử quan hệ hết sức đặc biệt của liên minh chiến đấu Việt - Lào. Dự án hợp tác ghép thận đang được phối hợp triển khai giữa Bệnh viện Quân y 103, trực thuộc Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng Việt Nam với Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 Lào là một trong điển hình về sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa đó.

“Tôi cảm thấy mình như được sinh ra lần thứ hai vậy”. Đó là chia sẻ của anh Santhong Keomonaxy, cư dân thủ đô Viêng Chăn, 2 ngày sau khi bệnh nhân 32 tuổi này được các bác sĩ Bệnh viện Quân y 103 của Việt Nam và Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 Lào phối hợp ghép thận thành công.

Phát hiện bị mắc bệnh thận khi mới 27 tuổi, anh Santhong đã phải đôn đáo tứ phương, dùng đủ các biện pháp với mong muốn thoát khỏi căn bệnh quái ác này, tuy nhiên, bệnh chẳng những không khỏi mà người ngày càng yếu đi khiến anh đôi lúc cảm thấy tuyệt vọng. May mắn cho anh, tháng 8/2023, anh được một người bạn thông tin về việc Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 Lào đang hợp tác với Bệnh viện Quân y 103 của Việt Nam thực hiện cấy ghép thận.

Bộc bạch với các phóng viên TTXVN tại Lào, anh Santhong cho biết trước khi được phẫu thuật, anh luôn cảm thấy người rất mệt, ăn không ngon, ngủ không yên và mỗi tuần phải lọc máu tới 3 lần. Sau khi được các bác sĩ quân đội Việt Nam và Lào phẫu thuật, cấy ghép thận mới, anh cảm thấy như được hồi sinh, cơ thể khỏe khoắn trở lại, ăn ngon và ngủ yên.

Tương tự trường hợp của anh Santhong, ông Vanxay Lixayalath, 58 tuổi ở tỉnh Sanvankhet, Trung Lào phát hiện mình mắc bệnh thận khoảng 5 năm trước. Dù cũng tìm hiểu, chạy chữa khắp nơi, song không hiệu quả, đến mức cảm thấy chỉ còn chờ chết. Niềm vui bất ngờ đến với ông khi nghe được thông tin về dự án hợp tác ghép thận giữa hai bệnh viện của quân đội Lào - Việt Nam. Ngay lập tức, ông được gia đình đưa lên Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 ở Viêng Chăn để khám và được chỉ định phẫu thuật ghép thận.

Tâm sự với các phóng viên 2 ngày sau khi được phẫu thuật ghép thận thành công, ông Vanxay cho biết đã không còn cảm giác nhức mỏi chân tay nữa, cơ thể thấy sảng khoái và khỏe lên rất nhanh.

Cả anh Santhong và ông Vanxay đều cảm thấy may mắn và rất xúc động trước sự hỗ trợ của các bác sĩ quân hàm xanh Việt Nam, cho rằng nếu không có dự án hợp tác ghép thận này, cuộc sống trong đau đớn bệnh tật và hết sức bấp bênh của họ sẽ chẳng biết đến đâu. Cả hai đều mong muốn chương trình hợp tác này tiếp tục được đẩy mạnh để các bệnh nhân như họ có cơ hội chữa trị, bởi ở Lào hiện có rất nhiều bệnh nhân bị thận, trong đó có nhiều người suy thận giai đoạn cuối. Đây là 2 trong số 3 bệnh nhân được các bác sĩ quân đội hai nước phẫu thuật ghép thận thành công trong tháng 12/2023 và 2 trong số 9 ca mổ ghép thận thành công trong hơn 1 năm qua.

Thực hiện sự chỉ đạo và thống nhất của hai Bộ Quốc phòng, dự án hợp tác ghép thận đã được Bệnh viện Quân y 103 phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 Lào triển khai từ năm 2018. Phía Việt Nam chuẩn bị nhân lực, phương tiện, thuốc men và trang thiết bị hỗ trợ bạn, còn bệnh viện của Lào chuẩn bị phòng mổ, phòng hậu phẫu, thành lập ban chỉ đạo, các bộ phận chuyên môn, tập huấn theo các quy trình chuyên môn đã được Việt Nam hướng dẫn.

Tuy nhiên, phải đến tận cuối năm 2022, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, trong điều kiện bình thường, dự án này mới thực sự được tiến hành. Từ 2 ca ghép thận thành công đầu tiên vào ngày 31/12/2022, hai bệnh viện đã phối hợp thực hiện thành công tổng cộng 9 ca ghép thận, có kết quả tốt, đến nay tất cả các bệnh nhân đều khỏe mạnh, một số đã trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN về những thành công của dự án, Đại tá Savengxay Dalasath, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 Lào nhấn mạnh việc ghép thành công thận từ người hiến sống tại Lào không chỉ là mốc son lịch sử trong sự trưởng thành và phát triển của bệnh viện, mà còn là bước ngoặt quan trọng đối với ngành y tế của nước CHDCND Lào.

Đại tá Savengxay đánh giá cao sự hỗ trợ và giúp đỡ hết lòng hết sức của QĐND Việt Nam nói chung và của Bệnh viện Quân y 103 nói riêng. Ông khẳng định, nếu không có sự giúp đỡ và hỗ trợ to lớn và tận tình cả về nhân lực và vật lực của các bác sĩ quân y Việt Nam, chắc chắn Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 Lào sẽ không thể tiến hành việc cấy, ghép thận thành công.  

Nhờ sự hỗ trợ và chỉ dạy tận tình của các chuyên gia y tế QĐND Việt Nam, đến nay, ban lãnh đạo, các bác sĩ, y tá của Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 Lào đã có nhiều tiến bộ và đã có thể làm chủ một số kỹ thuật như rửa thận, hỗ trợ phẫu thuật cấy ghép, thận... Trên cơ sở của những thành công ban đầu nêu trên, Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 Lào quyết tâm phấn đấu nỗ lực để đến năm 2025 sẽ làm chủ được kỹ thuật ghép thận.

Đánh giá về dự án, PGS.TS Vũ Nhất Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 bày tỏ vui mừng trước sự tiến bộ và quyết tâm của đội ngũ y bác sĩ quân đội Lào. Đến nay, các bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 Lào đã cơ bản làm chủ được các kỹ thuật trong việc thực hiện cấy ghép thận.

Giải thích về lý do chọn ghép thận để chuyển giao cho QĐND Lào, PGS.TS Vũ Nhất Định cho biết ghép thận là một kỹ thuật chuyên sâu rất khó, đòi hỏi nhân lực trình độ cao và sự phát triển của rất nhiều chuyên ngành. Nếu Việt Nam hỗ trợ bạn tổ chức ghép thận thành công tại Lào, sẽ góp phần đưa nhiều chuyên ngành khác phát triển theo, qua đó không chỉ giúp Bệnh viện Trung ương Quân đội 103 Lào phát triển toàn diện mà còn giúp nâng cao năng lực của cả ngành y tế Lào. Đây chính là mục tiêu sâu xa và lớn nhất của dự án, là sự tiếp nối truyền thống quan hệ hết sức đặc biệt giữa hai quân đội nói riêng và hai nước nói chung.

Dự án chuyển giao kỹ thuật ghép thận cho Quân đội Lào nói trên chỉ là một trong rất nhiều sự hỗ trợ vô cùng to lớn mà QĐND Việt Nam và QĐND Lào đã dành cho nhau trong suốt những thập niên qua, không chỉ là minh chứng rõ nét về mối quan hệ vĩ đại không giới hạn lĩnh vực hợp tác giữa hai nước nói chung và hai quân đội nói riêng, mà còn góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam anh em.

Phạm Kiên - Bá Thành (Phóng viên TTXVN tại Lào)
Báo chí Lào đưa tin đậm nét về quan hệ đặc biệt Việt - Lào
Báo chí Lào đưa tin đậm nét về quan hệ đặc biệt Việt - Lào

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trong các ngày 6 - 7/1, nhiều ấn phẩm điện tử báo chí của Lào như báo Pasaxon (Nhân dân), Pathet Lao (Thông tấn xã Lào), Đài Tiếng nói Lào, Báo Laophatthana (Lào Phát triển)... đã đồng loạt đăng tin về chuyến thăm chính thức Việt Nam, kết hợp đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào của Thủ tướng Lào Sonxay Siphandone và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao của nước CHDCND Lào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN