Trong bối cảnh hiện Hàn Quốc đối mặt với tình hình chính trị bất ổn liên quan đến việc ban hành thiết quân luật hôm 3/12/2024, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm Seoul vào đầu tháng này.
Ông bày tỏ sự tin tưởng vào nền dân chủ của Hàn Quốc và sự bền vững của liên minh Mỹ-Hàn. Tuy nhiên, chuyến thăm này diễn ra đồng thời với hai vụ thử tên lửa đạn đạo liên tiếp của Triều Tiên, làm dấy lên lo ngại về an ninh khu vực.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, việc Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể làm gia tăng nghi ngờ của Hàn Quốc về khả năng bảo vệ từ phía Mỹ, khiến nước này cân nhắc xây dựng năng lực răn đe độc lập.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người hiện đang bị bắt giữ, đã đề cập đến khả năng này từ năm 2023, và dù ảnh hưởng chính trị của ông đã giảm, động lực cho một chương trình hạt nhân độc lập vẫn còn nguyên vẹn.
Một lý do quan trọng khiến Hàn Quốc có thể cân nhắc theo đuổi hạt nhân là việc chính quyền ông Trump khó có khả năng tăng cường cam kết an ninh và răn đe mở rộng. Tổng thống đắc cử Trump từng nhiều lần kêu gọi Hàn Quốc đóng góp nhiều hơn cho chi phí phòng thủ, ám chỉ rằng các cam kết an ninh của Mỹ phụ thuộc vào lợi ích tài chính.
Các thành viên nội các dự kiến của ông Trump, như Elbridge Colby, dự kiến giữ chức Thứ trưởng quốc phòng phụ trách chính sách trong chính phủ mới, có quan điểm tập trung nguồn lực của Mỹ vào việc đối phó với Trung Quốc, thay vì bảo vệ Hàn Quốc trước Triều Tiên.
Ông Colby từng nhấn mạnh rằng Hàn Quốc nên tự chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ lãnh thổ khỏi các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.
Điều này làm dấy lên nghi ngờ tại Seoul về độ tin cậy của cam kết răn đe từ Mỹ. Ngay cả chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden trước đó cũng không đưa ra cam kết rõ ràng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Triều Tiên tấn công hạt nhân Hàn Quốc, khiến các lo ngại về an ninh càng gia tăng.
Một diễn biến khác có thể thúc đẩy Hàn Quốc theo đuổi hạt nhân là khả năng chính quyền ông Trump tiến hành đàm phán kiểm soát vũ khí với Triều Tiên. Việc Mỹ chấp nhận Triều Tiên là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ khiến Hàn Quốc rơi vào thế bất lợi, vì điều này đồng nghĩa với việc từ bỏ nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ông Trump có thể chọn cách tiếp cận này để củng cố hình ảnh chống chiến tranh. Tuy nhiên, việc hợp thức hóa vị thế hạt nhân của Triều Tiên có thể khiến Hàn Quốc rơi vào tình thế buộc phải hành động để tự bảo vệ.
Trong bối cảnh mất niềm tin vào cam kết an ninh của Mỹ và nhận thấy Washington sẵn sàng "làm hòa" với vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Hàn Quốc có thể kết luận rằng nước này không thể phụ thuộc vào Mỹ. Những tiếng nói ủng hộ năng lực răn đe hạt nhân độc lập tại Hàn Quốc sẽ ngày càng mạnh mẽ, đặc biệt khi chính quyền ông Trump không đưa ra được các cam kết đủ sức trấn an.
Nếu không có những thay đổi đáng kể từ Washington, viễn cảnh Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân sẽ trở thành một thực tế khó tránh khỏi trong tương lai gần.