Khả năng EU tịch thu tài sản đang bị đóng băng của Nga

Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổn thất nhiều hơn so với Mỹ nếu như Nga có hành động đáp trả tương tự trong trường hợp phương Tây tịch thu tài sản của nước này.

Chú thích ảnh
Ảnh minh hoạ: Sputnik

Ngày 23/1, hãng Reuters đưa tin EU không có khả năng tịch thu các khoản tiền của Ngân hàng Trung ương Nga hiện bị đóng băng do các lệnh trừng phạt liên quan đến xung đột Ukraine. Các quan chức cấp cao của khối này tiết lộ rằng các thành viên chưa đồng thuận về động thái mạo hiểm này.

Trước đó, vào năm 2022, Mỹ và các đồng minh đã phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản nhà nước của Nga, viện dẫn lý do xung đột Ukraine. Kiev đã nhiều lần kêu gọi phương Tây tịch thu số tiền này và giao lại cho Ukraine. Đặc biệt, tần suất yêu cầu còn dày đặc hơn trong những tháng gần đây khi viện trợ tài chính và quân sự từ Washington và Brussels đã cạn kiệt.

“Việc tịch thu vốn tài sản của Nga sẽ không xảy ra. Các quốc gia thành viên EU không đạt được thỏa thuận nào về vấn đề này”, một quan chức cấp cao của EU biết rõ các cuộc đàm phán cho hay.

Việc tịch thu tài sản như đề xuất trên chưa từng xảy ra. Nó có thể khiến các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới lo ngại tiền của họ sẽ không an toàn ở EU.

Trả lời trước các phóng viên ngày 23/1, Bộ trưởng Tài chính Bỉ Vincent van Peteghem nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải hết sức thận trọng với đề xuất đó. Tôi nghĩ quan trọng là những gì được đưa ra bàn đàm phán phải hợp lý về mặt pháp lý và chúng ta nên tránh bất kỳ tác động nào đến sự ổn định tài chính”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Luxembourg Xavier Bettel cũng bày tỏ quan điểm thận trọng về việc tịch thu tài sản của Nga. “Hãy tưởng tượng nếu chúng ta quyết định cấp hàng tỷ USD cho Ukraine. Và trong 6 tháng, chúng ta có quyết định của tòa án nói rằng chúng ta không được phép đưa số tiền đó cho họ. Khi đó chúng ta phải trả tiền cho ai”, Bộ trưởng Bettel nói.

Một mối lo ngại khác đối với EU khi đàm phán tịch thu tài sản của Nga là hầu hết tài sản hiện đang bị đóng băng của Nga – khoảng 200 tỷ USD – đều nằm ở cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear có trụ sở tại Bỉ.

“EU lúc đó sẽ không thể cứu Euroclear. Euroclear quản lý hàng nghìn tỷ USD và nếu nó phá sản, tổn thất sẽ lớn hơn nhiều so với ngân sách của EU. Chúng ta phải cân bằng giữa rủi ro và lợi ích”, một quan chức cấp cao EU lý giải.

Theo các quan chức, số tài sản bị phong tỏa của Nga vẫn đang tạo ra lãi. Tháng trước, Ủy ban châu Âu đã đề xuất tịch thu số tiền lãi đó và chuyển chúng sang Ukraine, giữ nguyên tiền gốc. Con số này có thể lên tới 17 tỷ euro trong 4 năm.

Nga đã nhiều lần cảnh báo Mỹ và các đồng minh rằng việc tịch thu tài sản của nước này sẽ là hành vi “trộm cắp”, vi phạm luật pháp quốc tế, làm suy yếu các đồng tiền dự trữ của phương Tây và phá vỡ hệ thống tài chính toàn cầu. Theo hãng RIA Novosti, Moskva cũng có quyền tiếp cận 288 tỷ USD tài sản của phương Tây mà nước này đã đe dọa tịch thu để trả đũa. Hãng tin này cho biết tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nền kinh tế Nga của EU, G7, Australia và Thụy Sĩ lên tới 288 tỷ USD tính đến cuối năm 2022.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo Reuters/RT)
Phương Tây lại nóng chuyện tịch thu tài sản của Nga
Phương Tây lại nóng chuyện tịch thu tài sản của Nga

Hôm 11/1, Mỹ cho biết đã gửi gói viện trợ quân sự cuối cùng và quỹ dành cho Ukraine đã cạn kiệt. Sau đó, chuyện tịch thu tài sản của Nga bị đóng băng chuyển cho Ukraine cũng nóng lên, được Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) thảo luận cả về khả năng và tác động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN