Các nhà xuất khẩu sầu riêng lớn từ những nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Philippines trong vài năm trở lại đây thường tụ họp tại Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc ở Thượng Hải để tìm kiếm các đơn đặt hàng mới.
Năm nay, một số bày tỏ lo ngại về cạnh tranh từ sầu riêng trồng tại Trung Quốc. Theo báo cáo từ China News Service, Trung Quốc đã trồng sầu riêng rộng rãi ở các khu vực như Tam Á và Yucai đều ở Hải Nam. Sầu riêng đã sinh trưởng tốt, đạt kích thước tương đương quả bóng chuyền. Vào năm 2024, khoảng 500 cây đã bắt đầu cho quả.
Sầu riêng Hải Nam đã được trồng từ 4 năm trước và năm 2024 này đánh dấu vụ thu hoạch đầu tiên. Một cây sầu riêng bốn năm tuổi có thể “đẻ” tới 19 quả, mỗi quả nặng khoảng 2kg. Theo ước tính, sầu riêng sẽ được trồng ở trên hơn 6.600ha tại Hải Nam trong vòng 3 đến 5 năm tới.
Tuy nhiên, ông Jeremy Chin, nhà đồng sáng lập công ty kinh doanh sầu riêng LKE Group, trụ sở tại Kuala Lumpur, nhận xét: "Trung Quốc có công nghệ tốt nhưng không giống như Malaysia, đất canh tác trên khắp Trung Quốc không phù hợp để trồng sầu riêng. Mặc dù Hải Nam được coi là địa điểm hợp lý, nhưng những hạn chế về địa chất và khí hậu của nơi này đồng nghĩa với chi phí trồng trọt và giá bán lẻ sẽ cao hơn nhiều”.
Ông kết luận: “Khả năng tự cung tự cấp sầu riêng là một nhiệm vụ khó khăn đối với Trung Quốc. Họ vẫn có thể phải dựa vào nhập khẩu”.
Phó chủ tịch điều hành của Hiệp hội Sầu riêng Quốc tế có trụ sở tại Singapore, cũng cho rằng khó có thể trồng sầu riêng quy mô lớn ở Hải Nam do chi phí tốn kém. "Chi phí trung bình có thể là 60 nhân dân tệ (211.000 đồng) một kg. Trong khi chi phí để trồng sầu riêng ở Đông Nam Á có thể chỉ khoảng 20 nhân dân tệ một kg”. Ngoài ra, những cơn bão lớn đổ bộ vào hòn đảo này trong năm nay đã gây ra tổn thất rất lớn.
Mặc dù sầu riêng trồng tại Trung Quốc không phải là đối thủ đáng gờm, nhưng tình trạng cung vượt cầu và nhu cầu của tầng lớp trung lưu Trung Quốc đối với "vua của các loại trái cây" đang giảm dần khiến triển vọng trở nên kém hấp dẫn hơn.
Thương nhân từ các nước xuất khẩu sầu riêng lớn bày tỏ lo ngại tại một diễn đàn ở Thượng Hải ngày 6/11 rằng ngày càng có nhiều khu vực tham gia vào cung cấp sầu tiêng đáp ứng nhu cầu thị trường Trung Quốc. Gần đây nhất, vào ngày 24/8, Malaysia đã bắt đầu xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, chỉ hai tháng sau khi ký Nghị định thư về Yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với việc xuất khẩu loại quả có hương vị đặc trưng này.
Ông Terry Lin, giám đốc bán hàng tại Agrionex (Malaysia), dự đoán: "Chúng ta hiện đang ở thời kỳ hoàng kim của sầu riêng tại Trung Quốc, nhưng đà tăng trưởng có thể chậm lại và lùi thành thời kỳ bạc trong 5 năm tới, khi có thể xảy ra tình trạng cung vượt cầu".
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, vào năm 2023, nước này nhập khẩu hơn 1,4 triệu tấn sầu riêng, với giá trị tăng 70% so với cùng kỳ năm trước ở mức 6,7 tỷ USD. Nhưng ông Terry Lin lưu ý rằng mức tiêu thụ sầu riêng bình quân đầu người hàng năm của Trung Quốc chỉ vào khoảng 1kg, so với 13kg ở Malaysia và 4kg đến 5kg ở Thái Lan.
Bên cạnh đó, sầu riêng vẫn được coi là một loại “siêu trái cây” đắt đỏ ở những thành phố giàu có của Trung Quốc như Thượng Hải. Một người yêu thích sầu riêng tại Thượng Hải chia sẻ với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc): “Một quả sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan nặng 3kg đến 4kg vẫn có giá từ 100 đến 150 nhân dân tệ tại các siêu thị ở Thượng Hai. Mức tiêu thụ giảm ở khắp mọi nơi và sầu riêng không phải là thứ không thể thiếu”.