Kế hoạch xây trường đại học đầu tiên của Trung Quốc tại EU gặp khó

Dự án xây đại học đầu tiên của Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) đang vấp phải nhiều nghi ngại liên quan đến tài chính và rủi ro an ninh.

Chú thích ảnh
Đại học Fudan nằm trong nhóm 200 trường đại học hàng đầu thế giới. Ảnh: Reuters

Kênh Al Jazeera cho biết Hungary đã cho phép xây dựng cơ sở của trường đại học Fudan (Trung Quốc) tại thủ đô Budapest.

Đại học Fudan nằm trong nhóm 200 trường đại học hàng đầu thế giới và có trụ sở tại Thượng Hải. Trường này muốn cơ sở tại Hungary đi vào hoạt động từ năm 2024 với 8.000 sinh viên sẽ sống và học tập tại địa điểm bên bờ sông Danube.

Các quan chức khẳng định dự án xây dựng cơ sở trường đại học Fudan sẽ góp phần đưa quốc gia châu Âu này lên bản đồ giáo dục và đầu tư của thế giới. Người phụ trách ngoại giao công chúng thuộc Bộ Ngoại giao Hungary Zoltan Kovacs chia sẻ: “Cơ sở trường đại học sẽ nâng tiêu chuẩn giáo dục và cung cấp kiến thức cạnh tranh toàn cầu cho sinh viên, đóng góp cho phát triển bền vững kinh tế Hungary".

Song chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Corvinus (Hungary)-ông Tamas Matura băn khoăn về thỏa thuận tài chính liên quan đến diễn biến mới này.

Theo thông tin được tiết lộ trong tháng 4, Hungary chịu trách nhiệm cho 1,8 tỷ USD chi phí xây dựng công trình, với phần lớn là vay từ Trung Quốc. Thông tin này khiến nhiều ý kiến quan ngại Hungary sẽ ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thị trưởng Budapest Gergely Karacsony trong khi đó tuyên bố “sẽ dùng mọi biện pháp pháp lý và chính trị” để ngăn chặn kế hoạch xây dựng cơ sở trường đại học Fudan tại thủ đô của nước này.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: AP

Ông Gabor Gyori tại Viện nghiên cứu Policy Solutions ở Budapest đánh giá: “Dự án trường Fudan nằm trong chiến lược của Chính phủ Hungary tăng cường quan hệ với Trung Quốc”. Trong thời gian qua, Thủ tướng Viktor Orban đã hướng tới đẩy mạnh mối liên hệ giữa Hungary và phương Đông.

Trung Quốc trong khi đó cũng muốn tạo được ảnh hưởng tại Trung và Đông Âu nhằm thúc đẩy vị trí của Bắc Kinh trong Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hungary gần đây còn vay Trung Quốc 2 tỷ euro để xây đường sắt cao tốc. Nhiều nhà quan sát thắc mắc lý do Chính phủ Hungary không vay số tiền này từ Quỹ Phục hồi của EU.

Ngoài ra, Budapest cũng phớt lờ cảnh báo của Washington rằng tập đoàn công nghệ Huawei mang rủi ro an ninh và cho phép tập đoàn Trung Quốc này tham gia vào xây dựng mạng 5G tại Hungary. Hungary còn là quốc gia thành viên EU duy nhất sử dụng vaccine phòng COVID-19 Sinopharm của Trung Quốc.

Ông Gergely Salat tại Viện Thương mại và Ngoại giao tại Hungary phân tích: “Khó có thể biện minh cho đánh giá về mối quan hệ của Budapest với Bắc Kinh khi Đức, Pháp và Anh còn có mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với Trung Quốc”. Dữ liệu do tổ chức phi chính phủ Trung tâm Trung và Đông Âu nghiên cứu châu Á công bố cho thấy đầu tư của Trung Quốc tại Hungary vẫn khá nhỏ so với Đức và Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng từng lên tiếng ca ngợi Thủ tướng Viktor Orban. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Trung Quốc đánh giá cao Hungary vì đã giữ vững chính sách thân thiện”.

Về phần mình, Hungary hy vọng “các dự án lớn” sẽ tiếp tục đến sau khi dự án cơ sở của trường đại học Fudan hoàn thiện.

Hà Linh/Báo Tin tức
Khi những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng 'biến hình'
Khi những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng 'biến hình'

Những chiếc khẩu trang y tế đã trở thành vật dụng quen thuộc với người dân thế giới kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Được sử dụng để hạn chế sự lây lan của COVID-19, song khẩu trang lại đang làm trầm trọng thêm một đại dịch khác là tình trạng ô nhiễm nhựa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN