Theo trang The Guardian (Anh), Chính phủ Hàn Quốc đã có kế hoạch tăng thời gian làm việc hàng tuần tối đa lên 69 giờ, sau khi các nhóm doanh nghiệp phàn nàn rằng giới hạn 52 giờ hiện tại gây khó khăn cho việc đáp ứng thời hạn hoàn thành công việc. Tuy nhiên, kế hoạch này đã phải hứng chịu hàng loạt chỉ trích từ thế hệ thiên niên kỷ (những người sinh ra trong giai đoạn từ năm 1980 đến 2000) và thế hệ Z (những người sinh ra vào khoảng thời gian từ 1997 đến 2012).
Trước phản ứng này, bà Kim Eun-hye, thư ký báo chí của Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết ông Yoon đã yêu cầu xem xét lại biện pháp này và đưa ra thông điệp tốt hơn với công chúng, đặc biệt là với thế hệ Z và thế hệ thiên niên kỷ.
“Điểm cốt lõi trong chính sách với thị trường lao động của ông Yoon là bảo vệ quyền và lợi ích của những người lao động yếu thế - như thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ Z, người lao động không tham gia nghiệp đoàn và những người làm việc trong doanh nghiệp vừa và nhỏ”, bà Kim nói.
Trước đó, ông Yoon bày tỏ ủng hộ kế hoạch tăng giờ làm để giúp người sử dụng lao động có chính sách linh hoạt hơn. Kế hoạch này sẽ thay đổi điều luật giới hạn giờ làm ở mức 52 giờ/tuần (gồm 40 giờ chính thức và 12 giờ làm việc ngoài giờ) được đảng Dân chủ đưa ra năm 2018.
Tuy nhiên, đại diện công đoàn nói rằng chính sách này sẽ buộc người lao động phải làm việc nhiều giờ hơn..
Kế hoạch này cũng đã bị chỉ trích là đi ngược lại xu hướng giảm giờ làm của các nền kinh tế lớn khác, như Anh. Tại “xứ sở sương mù”, hàng chục công ty đã thử nghiệm hình thức làm việc 4 ngày/tuần mà các nhà vận động cho biết đã mang lại năng suất không thấp hơn, thậm chí còn tốt hơn trước và tăng phúc lợi cho nhân viên.
Các công đoàn và các chính trị gia đối lập ở Hàn Quốc cũng lập luận rằng việc buộc người lao động ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á phải làm việc nhiều thời gian hơn sẽ không giúp giải quyết được tỷ lệ sinh thấp kỷ lục của đất nước này.
“Làm việc từ 9 giờ sáng đến nửa đêm trong 5 ngày liên tiếp là hợp pháp. Song kế hoạch này không thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe hay thời gian nghỉ ngơi của người lao động”, Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, Bộ trưởng Lao động Lee Jung-sik lập luận rằng việc tăng thời gian làm việc lên 69 giờ/tuần sẽ cho phép lao động nữ tích lũy giờ làm thêm để sau đó đổi lấy thời gian nghỉ để chăm sóc gia đình và con cái.
Tuần trước, khi được hỏi liệu tăng lương có giúp giải quyết khủng hoảng sinh sản ở Quốc hay không, ông Lee cho rằng: “Chúng tôi sẽ đưa ra các biện pháp mạnh mẽ để giúp cắt giảm thời gian làm việc trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ”.
Tuy nhiên, nhiều lao động nữ cho rằng biện pháp này sẽ gây tổn hại sức khoẻ của các bà mẹ đang đi làm và những phụ nữ khác.
“Trong khi đàn ông làm việc nhiều giờ và được miễn trách nhiệm chăm sóc gia đình, thì phụ nữ vẫn phải đảm nhiệm tất cả các công việc đó”, Hiệp hội Phụ nữ Hàn Quốc Thống nhất cho biết trong một tuyên bố.
Người lao động Hàn Quốc làm việc trung bình 1.915 giờ trong năm 2021, cao hơn 199 giờ so với mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), và nhiều hơn 566 giờ so với người lao động ở Đức.