Theo đài truyền CNN, trong một phát biểu ngày 15/3, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết: “Chúng tôi sẽ xây dựng một tổ hợp siêu nhà máy chip lớn nhất thế giới tại khu vực đô thị Seoul dựa trên khoản đầu tư tư nhân quy mô trị giá gần 300.000 tỷ won”.
Khu vực đô thị Seoul bao gồm thủ đô Seoul, thành phố lân cận Incheon và tỉnh Gyeonggi liền kề.
Trong một thông báo riêng rẽ cùng ngày, tập đoàn điện tử Samsung cho biết họ sẽ xây dựng 5 nhà máy bán dẫn mới trong nước từ khoản đầu tư 230 tỷ USD mà chính phủ đề cập. Đây là một phần của cuộc đua toàn cầu nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp chip.
Một phát ngôn viên của Samsung đã xác nhận kế hoạch xây dựng và nói rằng công ty sẽ cố gắng đầu tư. Samsung cho biết một số nhà máy mới sẽ sản xuất chất bán dẫn hoặc sản xuất chip cho khách hàng bên ngoài.
Chính phủ Hàn Quốc tiết lộ các nhà máy mới sẽ được thành lập ở Yongin, phía Nam Seoul và công tác đầu tư sẽ kết thúc vào năm 2042.
“Tổ hợp siêu nhà máy sẽ là xương sống của hệ sinh thái bán dẫn của chúng tôi. Điều này sẽ giúp Hàn Quốc nhảy vọt, củng cố vị trí là một quốc gia dẫn đầu trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt đối với các ngành công nghiệp tiên tiến”, chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh.
Đại dịch COVID-19 đã khắc họa rõ tầm quan trọng của chất bán dẫn đối với nền kinh tế toàn cầu khi tình trạng thiếu sản xuất do lệnh phong tỏa và các vấn đề khác về chuỗi cung ứng kéo theo sự chậm trễ và tình trạng tắc nghẽn đối với các sản phẩm như ô tô, điện thoại thông minh, các thiết bị điện tử.
Bên cạnh đó, những lo ngại về vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong sản xuất chất bán dẫn và ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp toàn cầu đã khiến các quốc gia sản xuất chip nỗ lực thúc đẩy hoạt động sản xuất của họ trước những lo ngại về an ninh kinh tế.
Thông báo xây dựng trung tâm sản xuất chip của Hàn Quốc được đưa ra khi Mỹ và Nhật Bản đang thu hút các nhà sản xuất chất bán dẫn đầu tư vào quốc gia của họ bằng cách cung cấp cho họ các khoản trợ cấp và giảm thuế.
Trước đó, Mỹ đã thông qua Đạo luật CHIPS và Khoa học với nhiều biện pháp quyết liệt, đầu tư 52,7 tỷ USD cho nghiên cứu, sản xuất và phát triển lực lượng lao động trong ngành bán dẫn nước này.
Bản thân Samsung đã đầu tư mạnh vào Mỹ từ cuối năm 2021, với kế hoạch đầu tư 17 tỷ USD để xây dựng dây chuyền sản xuất chất bán dẫn ở bang Texas. Công ty đặt mục tiêu đến nửa cuối năm 2024, cơ sở này sẽ đi vào hoạt động. Samsung hiện điều hành một nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở bang này.
Về phần mình, Nhật Bản dành 368,6 tỷ yên (tương đương 2,8 tỷ USD) từ ngân sách bổ sung 1.300 tỷ yên trong tài khóa 2022 cho các quỹ trợ cấp thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp. Theo luật an ninh kinh tế được ban hành vào năm 2022, Nhật Bản xác định chất bán dẫn là sản phẩm quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày và hoạt động kinh tế.
Hiện Samsung là nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất và là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn thứ hai toàn cầu, chỉ sau Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC).
Xét về quy mô, các nhà phân tích nói rằng khoản đầu tư của Samsung không phải là quá nhiều khi nhu cầu chất bán dẫn sẽ tăng hơn nữa trong tương lai.
Kim Yang-paeng, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Công nghiệp & Thương mại Hàn Quốc, nhận định: “Đây là một dự án dài hạn và nhu cầu chất bán dẫn sẽ tăng lên trong những năm tới. Vì vậy, tôi không nghĩ 5 nhà máy là quá nhiều”.
Giám đốc điều hành Samsung Han Jong-hee cho biết công ty sẽ tập trung phát triển các công nghệ để vượt qua các thách thức. "Giải pháp để vượt qua khủng hoảng là tập trung vào những thứ thiết yếu. Với công nghệ, chúng tôi sẽ giúp khách hàng tận hưởng cuộc sống hàng ngày tốt hơn bằng cách tạo ra giá trị và cơ hội mới”, nhà quản lý nhấn mạnh tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông của công ty ngày 15/3.