Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, đạo luật CHIPS và tầm nhìn dài hạn cho vài trò lãnh đạo công nghệ của Mỹ đã khẳng định Mỹ sẽ đặt mục tiêu tạo ra ít nhất hai cụm sản xuất chất bán dẫn hàng đầu vào năm 2030, giúp đánh dấu việc hoàn thành giai đoạn đầu trong kế hoạch nhằm đưa hoạt động sản xuất chip về trở lại nước Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Raimondo nhấn mạnh việc xây dựng sẽ giúp tạo ra hệ sinh thái gồm các nhà máy chế tạo, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu và phát triển (R&D), cơ sở đóng gói phục vụ lắp ráp chip và các nhà cung cấp giúp đáp ứng yêu cầu hỗ trợ đối với từng giai đoạn triển khai hoạt động.
Bộ trưởng Thương mại Raimondo cho biết tầm nhìn của Chính quyền Biden sau khi hoàn thành triển khai sáng kiến là nhằm biến Mỹ trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới tập trung các công ty có khả năng sản xuất các dòng chip tiên tiến, các cơ sở sản xuất có quy mô lớn và các trung tâm nghiên cứu (R&D).
Bà Raimondo trong phát biểu không nêu rõ địa điểm dự kiến đặt các cụm sản xuất, song nhiều ý kiến cho rằng trên cơ sở kế hoạch đầu tư hiện nay của các tập đoàn hàng đầu như Intel, Samsung và TSMGC, các bang như Arizona, Ohio và Texas đang là các lựa chọn khả dĩ nhất. Dự kiến Bộ Thương mại cũng sẽ công bố các thông tin cụ thể về cách thức các công ty có thể đăng ký nhận tài trợ từ nguồn kinh phí của đạo luật CHIPS vào ngày 28/2 tới.