Lịch làm việc của ông Kudo không phải là ngoại lệ ở Nhật Bản. Tại quốc gia này, giáo viên có số giờ làm việc nhiều nhất thế giới. Họ phải gánh vác tất cả các nhiệm vụ - từ dọn vệ sinh tới giám sát học sinh ở các câu lạc bộ sau giờ học.
Theo khảo sát năm 2018 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), giáo viên trung học ở Nhật Bản làm việc 56 giờ/tuần, trong khi mức trung bình ở đa số các nước phát triển chỉ là 38 giờ. Nhưng con số đó vẫn chưa tính đến số giờ làm thêm đáng kinh ngạc. Một cuộc thăm dò do tổ chức tư vấn hợp tác với công đoàn cho thấy các giáo viên Nhật Bản làm thêm trung bình 123 giờ/tháng, đẩy khối lượng công việc hàng tuần của họ vượt quá mức 80 giờ - gọi là “ngưỡng karoshi”.
Các giáo viên chia sẻ rằng số giờ làm việc này đã vượt mức giới hạn. Một số người đã nỗ lực giải quyết vấn đề này bằng cách tiến hành khởi kiện. Năm nay, đảng cầm quyền của Nhật Bản đã thành lập lực lượng đặc nhiệm để nghiên cứu vấn đề này. Nhưng động thái này đến quá muộn đối với thầy Kudo, giáo viên cấp hai, người đã chết vì xuất huyết não ở tuổi 40 vào năm 2007. Trong đám tang, các học sinh nói với bà Sachiko, vợ ông, rằng thầy Kudo là giáo viên thể dục sôi nổi, người không ai ngờ sẽ chết vì kiệt sức.
“Ông ấy rất yêu quý học sinh”, bà Sachiko, 55 tuổi, nói. Nhưng trong những tuần cuối đời, Kudo quá mệt mỏi vì làm việc không nghỉ ngơi.
Chính quyền Nhật Bản đang thực hiện một số bước cải cách như thuê thêm giáo viên bên ngoài và số hóa nhiệm vụ. Bộ trưởng Giáo dục Keiko Nagaoka phát biểu trước Quốc hội vào tháng 10: “Các biện pháp cải cách điều kiện làm việc cho giáo viên đang có tiến bộ”. Nhưng bà thừa nhận nhiều giáo viên vẫn đang phải làm việc nhiều giờ liên tục và cần tăng tốc biện pháp cải thiện.
Dữ liệu của Bộ Giáo dục Nhật Bản cho thấy số giờ làm thêm đang giảm nhưng các chuyên gia nhận định về cơ bản vẫn có rất ít thay đổi.
Ông Masatoshi Senoo, cố vấn quản lý trường học, cho biết từ công việc giấy tờ cho tới nhiệm vụ như phát bữa trưa, hướng dẫn học sinh dọn vệ sinh, giám sát học sinh đi học và về nhà, giáo viên Nhật Bản đang trở thành “người vạn năng”.
“Giáo viên đôi khi phải gánh cả trách nhiệm của phụ huynh. Họ thậm chí được cử đi xin lỗi người dân địa phương khi học sinh phạm lỗi trong công viên hay cửa hàng tiện lợi”, ông nói.
Một trong những nhiệm vụ tốn nhiều công sức và thời gian nhất là giám sát các câu lạc bộ văn hóa và thể thao của học sinh sau giờ học và cuối tuần. Anh Takeshi Nishimoto, giáo viên lịch sử một trường cấp ba ở Osaka, cho rằng được chỉ định làm giáo viên giám sát chính của một câu lạc bộ nghĩa là bạn sẽ phải tạm biệt ngày cuối tuần.
Hồi tháng 6, Nishimoto, 34 tuổi, đã thắng kiện đòi bồi thường căng thẳng do làm việc quá sức. Anh đệ đơn kiện sau khi bị suy nhược thần kinh năm 2017, khi được chỉ định làm người giám sát câu lạc bộ bóng bầu dục và làm việc ngoài giờ 144 tiếng một tháng.
Các chuyên gia cho biết giáo viên là đối tượng dễ bị làm việc quá sức, vì luật pháp tồn tại hàng chục năm nay quy định họ không được trả tiền theo số giờ làm thêm. Thay vào đó, luật bổ sung số tiền tương đương 8 tiếng làm thêm vào lương tháng của giáo viên, khiến Nishimoto nhận định “giáo viên phải làm việc không giới hạn với mức lương cố định”.
Bà Masako Shimonomura, giáo viên thể dục cấp hai ở quận Edogawa, Tokyo, cho biết bà khó có thể nghỉ ngơi trong ngày, nhưng không phải mọi thứ về nghề giáo viên đều tối tăm.
“Có những lúc tôi cảm thấy mình làm giáo viên vì những giây phút tuyệt vời, như khi xem học sinh trong câu lạc bộ bóng mềm tỏa sáng và tươi cười khi thi đấu”, cô giáo 56 tuổi bày tỏ, bên cạnh là bàn làm việc chất đầy hồ sơ và tài liệu. Bà Shimonomura lo ngại nếu điều kiện làm việc của giáo viên không cải thiện, ấn tượng nghề giáo tối tăm sẽ ảnh hưởng tới thế hệ trẻ.
Một cuộc điều tra của tờ Mainichi tiết lộ rằng từ năm 2006 đến năm 2016, đã có 63 trường hợp giáo viên trường công tử vong do làm việc quá sức.
Bà Sachiko mất tới 5 năm để ông Kudo được công nhận chết vì “karoshi” do thiếu hồ sơ về số giờ làm việc. Bà nói rằng việc dạy học thường được coi là một “công việc thiêng liêng” dành cho trẻ em, vì việc ghi lại số giờ làm việc đều có thể bị phản đối.
“Có rất nhiều giáo viên hối hận vì sống cả đời mà không có thời gian dừng lại để nhìn con cái trưởng thành”, bà nói.
Từng là giáo viên, bà Sachiko hiện đứng đầu một nhóm chống lại hiện tượng karoshi ở miền trung Nhật Bản.
“Tôi cảm thấy đang cùng chồng đấu tranh để thực hiện di nguyện của anh ấy, thay đổi thói quen làm việc của giáo viên”, bà tâm sự.