Báo chí Italy dự báo đây có thể mới chỉ là sự mở đầu cho một làn sóng người di cư mới đổ vào các bờ biển Italy sau một hành trình xuất phát chủ yếu từ các cảng của Libya, đất nước đang chìm trong bất ổn chính trị và tạo cơ hội lý tưởng cho bọn buôn người tăng cường các hoạt động.
Hai năm trước, khi cuộc khủng hoảng ở Libya trở nên nghiêm trọng, 170.000 người đã đặt chân đến Italy sau các chuyến vượt biển Địa Trung Hải, con số cao kỷ lục. Trong khi đó, hơn 3.000 người cũng đã bỏ mạng trong hành trình này.
Theo nhật báo Il Corriere della Sera, dòng người sắp tới đổ bộ vào Italy có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng cho Italy, do các cơ sở tiếp nhận không đủ sức chứa, trong khi hiện đã có 105.000 người di cư đang có mặt trong các trại và chờ xét quy chế tị nạn.
Italy và Hy Lạp sẽ bị cô lập trong khối Hiệp ước Schengen và có nguy cơ phải đón nhận hàng trăm nghìn người di cư. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Tuy nhiên, Italy không phải là lựa chọn số 1 của người di cư để xin ở lại, mà là các nước Bắc Âu. Do đó, nguy cơ đóng cửa Hiệp ước Schengen có thể đẩy Italy vào tình trạng ngặt nghèo, khi những người di cư không thể di chuyển tới các nước Bắc Âu và ở lại Italy, tạo ra nhiều vấn đề đối với đất nước vốn từ lâu đã chìm trong những tranh cãi, bất đồng chính trị và mâu thuẫn xã hội về người di cư này.
Nhật báo này cũng cho rằng, việc các nước như Đức, Áo, Pháp và Thụy Điển gia tăng kiểm soát các đường biên giới cùng với thái độ cứng rắn của các nước vùng Balkan trong việc xử lí khủng hoảng di cư có khả năng dẫn đến việc dòng người di cư đi qua các nước Balkan sẽ giảm, và dòng người này sẽ trở lại con đường "truyền thống" trước kia: vượt biển Địa Trung Hải sang Italy.
Các dòng di cư cũng có khả năng sẽ xuất phát từ Albania và Montenegro. Trong vòng vài ba tháng nữa, nếu các quốc gia Bắc Âu quyết định đóng cửa biên giới, ngưng thực thi Hiệp ước Schengen, Italy và Hy Lạp sẽ bị cô lập trong khối Hiệp ước Schengen và có nguy cơ phải đón nhận hàng trăm nghìn người di cư.