Châu Âu cần hướng tiếp cận mới cho khủng hoảng di cư

Trong bối cảnh cuộc chiến Syria chưa biết đến khi nào mới kết thúc thì Hội nghị Hỗ trợ người Syria diễn ra tại thủ đô London (Anh) ngày 4/2 được xem như cách thức duy nhất để kìm hãm dòng người Syria đổ tới châu Âu tị nạn.

Với hy vọng rằng người Syria sẽ ở lại Trung Đông nhiều hơn nếu có công ăn việc làm, chính phủ Anh đang tăng mạnh viện trợ cho các nước trung chuyển, ví dụ như Jordan, coi đó như một điều kiện trao đổi để các nước này cho phép thêm người dân Syria tham gia thị trường lao động của họ.

Tuy vậy, theo nhận định của báo "The Guardian" (Anh) ngày 3/2, sẽ là quá lạc quan khi nghĩ rằng chỉ cần viện trợ là đủ để giảm bớt dòng người nhập cư tới châu Âu. Lý do là bởi những công việc có được nhờ viện trợ không nhiều và cũng không mang lại cho người Syria thu nhập nhiều hơn những gì họ có thể kiếm được ở chợ đen. Báo này cho rằng để kiểm soát cuộc khủng hoảng người di cư, cộng đồng quốc tế cần theo đuổi nhiều cách tiếp cận khác nhau.

Thứ nhất, cần tăng cường tái định cư hàng loạt. Lo ngại sự phản ứng trong nước, các nhà lãnh đạo châu Âu đã từ chối tái định cư một số lượng đáng kể người tị nạn đến từ những nơi như Jordan. Tuy nhiên, bất chấp điều này, hơn một triệu người vẫn đặt chân tới châu Âu, nguyên nhân một phần là bởi họ đã mất niềm tin vào các tiến trình tái định cư chính thức. Rõ ràng, khi không thể ngăn cản được dòng người di cư bằng pháp luật hay vũ lực thì tạo cho họ một cơ hội tái định cư thực tế sẽ là cách tiếp cận có lý hơn. Một cơ hội như vậy cũng sẽ giúp làm nguội bớt quyết tâm vượt biển bằng mọi giá của người tị nạn bởi họ nhìn thấy triển vọng đến được châu Âu theo cách an toàn hơn.

Người di cư chờ tại Canakkale, Thổ Nhĩ Kỳ để tìm cách vượt biển tới Hy Lạp.Ảnh: AFP/TTXVN

Thứ hai, châu Âu cần thực hiện một chính sách tị nạn chung. Chừng nào vẫn còn là những nước đã ký Công ước tị nạn LHQ 1951, các nước châu Âu vẫn có bổn phận cung cấp chỗ ở cho người tị nạn. Hiện nay, do mỗi nước thực hiện một chính sách và hệ thống tị nạn khác nhau, nên một số nước sẽ phải gánh phần nặng hơn các nước khác vì người tị nạn theo lẽ tự nhiên sẽ tìm đến những nước che chở họ ổn nhất. Để giảm bớt áp lực cho những nước như Đức, châu Âu cần tiêu chuẩn hóa tiến trình tị nạn tại mỗi quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sao cho người tị nạn nhận được sự đối đãi, phúc lợi và cơ hội định cư như nhau ở bất cứ nước nào họ tìm đến. Muốn vậy, các nước châu Âu phải phân bổ người nhập cư hợp lý hơn giữa các nước sao cho những nước tuyến đầu không phải chịu cảnh hàng trăm nghìn người nhập cư dồn ứ trên đất nước họ.

Thứ ba, quan tâm đến cả những người Afghanistan và người Iraq tìm kiếm tị nạn. Người Syria hiện chiếm một nửa dòng người di cư đổ tới châu Âu. Một nửa còn lại là người Afghanistan và người Iraq. Do đó, bất cứ chiến lược hiệu quả nào cũng không thể chỉ tính đến những người Syria đang sống ở Liban và Jordan mà cần phải tính đến các giải pháp cho hàng nghìn người chạy trốn khỏi Afghanistan và Iraq. Các khoản viện trợ và các chương trình việc làm dự định dành cho người Syria cần được chia sẻ cho cả người Afghanistan lẫn người Iraq. Bên cạnh đó, cần tính đến cả người nhập cư từ hai quốc gia này trong bất cứ chương trình tái định cư nào nhằm khuyến khích họ tới châu Âu một cách có trật tự.

Thứ tư, cần lôi kéo các nước vùng Vịnh và Mỹ vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư. Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã đầu tư mạnh mẽ vào cuộc chiến Syria, nhưng cũng như phương Tây, họ hành động rất khiêm tốn trong việc đón nhận người nhập cư.

Báo "Theo Guardian" kết luận rằng trong khi hai nước này ủng hộ các nỗ lực viện trợ, họ cũng cần nhận thêm người Syria để giảm bớt gánh nặng cho các nước láng giềng Arab khác. Đối với Mỹ, với dân số 300 triệu người, sự đóng góp của họ có thể là một nhân tố quyết định trong bất cứ chương trình tái định cư nào.
TTK
Đức thông qua gói biện pháp thứ hai cho khủng hoảng di cư
Đức thông qua gói biện pháp thứ hai cho khủng hoảng di cư

Nội các Đức ngày 3/2 đã thông qua gói biện pháp thứ 2 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang là tâm điểm chú ý của dư luận Đức thời gian qua, lần này tập trung siết chặt việc quản lý, bố trí và trục xuất người tị nạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN