Châu Âu và bài toán nan giải về khủng hoảng di cư

Khủng hoảng tại Hy Lạp hay Ukraine không còn là điều mấy quan tâm ở châu Âu hiện nay, vấn đề đáng quan tâm nhất thời gian qua là khủng hoảng người tị nạn.


Người di cư tại khu vực biên giới Serbia - Croatia gần làng Berkasovo của Serbia ngày 22/10. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh bất ổn tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi còn nhức nhối thì cuộc khủng hoảng người tị nạn còn là bài toán nan giải đối với các nước châu Âu.

 

Dòng người di cư đổ xô vào châu Âu chủ yếu vì hai lý do, thứ nhất là họ phải trốn chạy khỏi quê hương do nội chiến, khủng bố, bị truy đuổi và thứ hai là vì mục đích kinh tế. Châu Âu sẽ không phải gồng mình như hiện nay nếu người di cư chủ yếu thuộc các đối tượng thứ nhất và càng dễ xử lý nếu chỉ có các đối tượng thuộc nhóm thứ hai. Tuy nhiên, khi người di cư là tổng hợp của cả hai nhóm đối tượng này, châu Âu bị quá tải, trong khi chưa tìm được giải pháp tổng thể để kiểm soát, giải quyết khủng hoảng. Đức và một số nước Trung Âu, Bắc Âu đang như những thanh nam châm hút người tị nạn. Trong những tuần qua, hàng nghìn người tị nạn tìm mọi cách „hành quân“ qua khu vực Balkan, qua những con sông và cánh đồng ở các nước Đông Nam Âu để tiến về phía Bắc. Riêng trong tháng 9 vừa qua đã có 250.000 người tới châu Âu qua ngả Balkan và khi Hungary quá tải, rồi đóng cửa biên giới với Serbia để chặn dòng người di cư, những người này lại tìm cách vượt Serbia vào Croatia, qua Slovenia để vào Áo, Đức hoặc các nước Bắc Âu.

 

Bất đồng trong EU về chính sách với người tị nạn


Tại một cuộc họp cuối tháng 9/2015, các nước EU đã nhất trí việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự nhất trí trên giấy tờ, trong khi chưa có cơ chế để thực thi cũng như kiểm soát dòng người tị nạn vào châu Âu. Người tị nạn vào châu Âu có chọn lọc điểm đến, trong đó các nước giàu có và có chế độ phúc lợi, trợ cấp tốt là những mục tiêu ưa thích của họ. Tuy nhiên, cũng không ít người tị nạn vào được một nước châu Âu là họ đóng chốt hoặc tạm dừng cuộc hành trình di cư của mình. Điều này đã gây ra những bất đồng trong chính sách giải quyết cuộc khủng hoảng trong chính các nước châu Âu. Những quốc gia chỉ là điểm quá cảnh thì sẵn sàng mở cửa để tiếp nhận người di cư vào và lại đưa họ tới một nước phía Bắc, trong khi những nước quá tải như Hungary lại không thể kiểm soát được dòng người di cư và buộc phải đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở việc kiểm soát đầu vào của người nhập cư khi họ đặt chân tới châu Âu. Đây chính là lý do Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 25/10 triệu tập một hội nghị với sự tham dự của 13 nhà lãnh đạo các nước liên quan, trong đó có 3 quốc gia không phải thành viên EU là Serbia, Macedonia và Albania, với mục tiêu quản lý tốt tuyến lộ trình Bancăng. Tại cuộc họp, ông Juncker đã kêu gọi các nước tham dự cùng hợp tác chặt chẽ hơn để kiểm soát dòng người tị nạn vào châu Âu. Tuy nhiên, đại diện các nước còn chia rẽ về một giải pháp chung.


Thủ tướng Slovenia Miro Cerar cho biết quốc gia nhỏ bé vùng Alpes của ông cần được hỗ trợ do đã quá tải sau khi Hungary đóng cửa biên giới với Serbia và Croatia, cảnh báo rằng EU và châu Âu có nguy cơ đổ vỡ nếu không có một giải pháp tức thì. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thì cho rằng EU khó có thể đi tới một giải pháp chung do nhiều nước không chịu hợp tác và bảo lưu chính sách của mình trong vấn đề người tị nạn. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã bảo vệ cho chính sách lập hàng rào chặn người nhập cư ở biên giới, cho rằng nước này không nằm trên tuyến lộ trình Balkan mà chỉ là „quan sát viên“. Theo ông, lỗi khủng hoảng là do chính các nước Schengen đã không giữ các cam kết của mình. Theo Hiệp định Dublin, người tị nạn đặt chân tới nước EU nào đầu tiên phải nộp đơn xin tị nạn ở nước đó, song các nước „đầu vào“ của người tị nạn đã không thực hiện được điều này, do vậy không thể kiểm soát được người nhập cư. Người tị nạn do vậy tiếp tục tìm cách thực hiện hành trình tới Áo, Đức hay các nước Bắc Âu. Thủ tướng Orban cũng kêu gọi chấm dứt chính sách „biên giới mở“ và chính sách chào đón người tị nạn như hiện nay của Đức và Áo, cho rằng khủng hoảng chỉ có thể được giải quyết nếu bảo vệ được vùng ngoại biên EU, đặc biệt là khu vực giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (phải) tại cuộc họp báo sau cuộc họp khẩn của EU về khủng hoảng người di cư tại Brussels (Bỉ). Ảnh: THX/ TTXVN

Những đồng thuận bước đầu giải quyết khủng hoảng    


Kết thúc hội nghị đêm 25/10, lãnh đạo các nước tham gia đã đồng ý tiếp nhận 100.000 người tị nạn vào châu Âu qua tuyến Balkan, trong đó 50.000 trường hợp ở Hy Lạp. Kế hoạch thông qua gồm 17 điểm, trong đó EU nhất trí trong tuần tới sẽ cử bổ sung 400 nhân viên bảo vệ biên giới tới Slovenia để phối hợp với lực lượng sẵn có ở nước này kiểm soát tốt hơn khu vực giáp Croatia và Áo. Ngoài ra, Cơ quan biên phòng châu Âu Frontex cũng có nhiệm vụ bảo vệ tốt hơn khu vực biên giới giữa Hy Lạp, Macedonia, Albania và Serbia. Chủ tịch EC Juncker kêu gọi các nước láng giềng EU nên hợp tác thay vì có những chính sách trái ngược nhau trong vấn đề người tị nạn.


Các nước tham gia cũng nhất trí nắm bắt và chia sẻ thông tin hàng tuần về tình trạng người tị nạn ở nước mình, đặc biệt là tại các khu vực biên giới. Cho tới nay, các nước hầu như không rõ số lượng người tị nạn có mặt ở khu vực biên giới hay các điểm kiểm soát và hậu quả là các nước tiếp nhận bị động khi người tị nạn ùn ùn kéo vào. Nằm trong tâm điểm của giải pháp bảo vệ vùng ngoại biên EU, Hy Lạp ngày càng bị sức ép phải có biện pháp kiểm soát tốt hơn vùng biên giới ngoài EU cũng như biên giới với các nước Balkan. Bên cạnh đó, Athens cũng phải đẩy nhanh việc xây dựng các trung tâm đăng ký người tị nạn. Tại những địa điểm này, người tị nạn sẽ được đăng ký tên tuổi và từ đó phân loại để phân bổ tới các nước châu Âu. Những trường hợp không được chấp nhận tị nạn sẽ bị lập tức trả về nước. Tuy nhiên, điều khó khăn hiện nay là tại những điểm đăng ký tiếp nhận người tị nạn như vậy cũng cần phải xây dựng nơi ăn ở tạm thời cho người tị nạn khi họ chờ xét duyệt hồ sơ.


Theo kế hoạch của EU, khối liên minh này sẽ nhanh chóng đẩy nhanh việc trục xuất người tị nạn bị bác đơn. Theo đó, các trường hợp không được chấp thuận tị nạn đến từ các nước như Afghanistan, Pakistan, Bangladesh và Iraq sẽ nhanh chóng bị trục xuất về quê hương. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên, những người di cư Afghanistan đến châu Âu bị đưa vào danh sách trục xuất về nước. Ngoài ra, để giải quyết khủng hoảng di cư, châu Âu cũng cần sự hợp tác và một chiến lược chung với Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Thủ tướng Merkel, những biện pháp được thông qua nêu trên vẫn chưa thể giải quyết một cách tổng thể cuộc khủng hoảng người tị nạn, song sẽ góp phần rất lớn vào việc kiềm chế khủng hoảng.


Mạnh Hùng (P/v TTXVN tại Berlin)
EU và 3 nước Balkan họp khẩn về khủng hoảng di cư
EU và 3 nước Balkan họp khẩn về khủng hoảng di cư

Lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) và các nước Balkan ngày 25/10 tiến hành cuộc họp thượng đỉnh hẹp về cuộc khủng hoảng người di cư ở châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN