Đâu là nguyên nhân Nhu cầu lao động của các cơ sở sản xuất kinh doanh của Trung Quốc vùng giáp biên ngày càng tăng do lao động bản địa di cư về các vùng đô thị lớn của Trung Quốc, nơi có công việc tốt hơn. Một số tỉnh giáp biên có vị trí địa lý thuận lợi, gần cửa khẩu quốc tế, có hệ thống giao thông thủy, bộ thuận tiện và các điểm kiểm tra hàng hóa xuất khẩu thuận lợi cho lao động các vùng giáp biên di chuyển qua biên giới làm việc, trao đổi, buôn bán. Đường biên giới với Trung Quốc dài, nhiều lối mòn, đường phụ có thể qua lại dễ dàng. Cư dân biên giới vốn có quan hệ gần gũi (dân tộc, thân tộc...), giao thoa về phong tục tập quán, ngôn ngữ nên việc qua lại làm ăn khá thuận lợi, dễ dàng.
Hầu hết phụ nữ dân tộc thiểu số qua biên giới làm việc do trình độ thấp, chưa qua đào tạo nên thu nhập ngày lao động không cao. Ảnh: Thế Lập – TTXVN |
Ông Vũ Hồng Hải, Vụ Dân tộc - Tôn giáo, Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, hoàn cảnh gia đình được xem là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định di cư của phụ nữ dân tộc thiểu số: Điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ lao động thấp, chưa qua đào tạo; gia đình có người đau ốm, tàn tật không có khả năng lao động... là những lý do khiến người dân sang Trung Quốc làm thuê. Bên cạnh đó, công việc tại địa phương không ổn định, thiếu việc làm; tình trạng “nông nhàn” hay việc làm không đầy đủ ở nông thôn... cũng khiến phụ nữ qua biên giới tìm cơ hội việc làm. Kết quả khảo sát của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tiến hành tại các địa phương đa số đều chỉ ra rằng hiện tượng di chuyển lao động qua biên giới thường có nguyên nhân cơ bản là lực đẩy từ nơi xuất cư (thiếu đất canh tác, thiếu việc làm, thu nhập thấp) và lực hút từ những nơi nhập cư (cơ hội việc làm có thu nhập cao hơn so với công việc tại địa phương)…
Hầu hết số phụ nữ dân tộc thiểu số qua biên giới làm việc đều có trình độ thấp, chưa qua đào tạo, thu nhập thấp không có đủ khả năng trang trải cho cuộc sống hàng ngày nên cần tìm việc làm để có thêm thu nhập...
Bên cạnh đó là mong muốn mở rộng quan hệ xã hội và tìm bạn đời. Tuy nhiên, nguyên nhân này chiếm tỉ lệ nhỏ trong số những người di cư. Sau khi kết hôn, những người phụ nữ này cũng có xu hướng sinh sống bên nhà chồng, không trở lại địa phương.
Những vấn đề đặt raHiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có thỏa thuận về việc hợp tác lao động nên số lao động thời vụ Việt Nam sang Trung Quốc hầu như hoàn toàn trái pháp luật. Họ còn đối mặt với nguy cơ trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người; không ít phụ nữ bị lừa bán vào động mại dâm, ép lấy chồng… Thực tế cho thấy, con số nạn nhân bị mua bán có thể còn lớn hơn rất nhiều so với số liệu mà các ngành chức năng hiện có. Tuy nhiên do nạn nhân thường mặc cảm, tự ti, sợ ảnh hưởng đến danh dự và cuộc sống cá nhân nên thường không khai báo.
Tình trạng người lao động bị bán vào làm việc tại các trang trại, hầm mỏ và các đồn điền của Trung Quốc bị cưỡng bức lao động có xu hướng tăng. Trong khi đó, nhận thức của người lao động về nguy cơ và rủi ro dẫn đến buôn bán người thông qua cưỡng bức lao động rất thấp (chiếm khoảng 12%), thậm chí họ không quan tâm, chấp nhận rủi ro (chiếm 58%) và khi gặp rủi ro, trên 61% nhờ bạn bè người thân giúp đỡ; rất ít người tìm đến các cơ quan chức năng.
Hậu quả của xu hướng gia tăng lao động nữ di cư qua biên giới thường khá nặng nề về mặt xã hội. Do cha mẹ đi làm thuê, nên con cái của họ phải ở cùng ông bà hoặc người thân, ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ. Từ đó lại kéo theo tình trạng trẻ em bỏ học, vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó là những thách thức về sự bền vững của gia đình. Sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình có phần lỏng lẻo dần; tỷ lệ ly thân, ly hôn có xu hướng gia tăng.
Theo phản ánh của nhiều địa phương, tại một số xã có người di cư lao động thường xuyên và dài ngày, diện tích đất canh tác do không được đầu tư chăm sóc nên sản lượng thu hoạch thấp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của địa phương. Việc có người di cư khiến cho phong trào chung của thôn, xã thiếu nguồn nhân lực. Đặc biệt trong thời gian triển khai xây dựng nông thôn mới hiện nay, nhiều chương trình, dự án chậm được thực hiện do không có sự tham gia của người dân.
Người lao động di cư tự do cũng gây cho địa phương khó khăn trong công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu do người lao động không báo cáo với chính quyền, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự xã hội. Bên cạnh đó, việc giải quyết học hành, cư trú lâu dài cho những đứa trẻ sinh ra có mẹ là nạn nhân bị buôn bán và bố là người nước ngoài rất phức tạp… gây tốn kém kinh phí và công sức của địa phương. Nhiều trường hợp, người lao động sau khi trở về lại mang theo các bệnh xã hội, vi phạm tệ nạn xã hội gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.