Bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ làm thuê qua biên giới

Bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ làm thuê qua biên giới

Theo báo cáo của Hội Phụ nữ các tỉnh trong vùng Tây Bắc, từ năm 2011 đến 2015, số phụ nữ qua biên giới để lao động không ngừng gia tăng. Tình trạng này tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp với an ninh chính trị và xã hội tại địa phương.

Qua biên giới làm thuê

Theo Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), từ năm 2011 - 2014 hơn 20 vạn lao động Việt Nam đã sang Trung Quốc làm việc trái phép, trong đó có 55% trình độ tiểu học, 20% không biết chữ. 55% làm ruộng và 30% không nghề; số lao động thông qua môi giới chiếm 30%, đi đường tiểu ngạch và đường mòn chiếm 65%; thời gian đi lao động dưới 6 tháng chiếm 60%. Đặc biệt có trên 45% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu trong độ tuổi lao động.

Nhiều lao động nữ vượt biên trái phép sang bên kia biên giới thường làm những việc thủ công, đơn giản.Ninh Ảnh: Đức Phương - TTXVN

Phụ nữ di cư lao động qua biên giới có xu hướng đi theo nhóm để tránh rủi ro, trong nhóm đã có những người đi lao động ở nước bạn với khoảng thời gian tương đối dài. Những người này có kinh nghiệm trong việc lựa chọn công việc và thỏa thuận tiền lương. Qua tìm hiểu, được biết phụ nữ di cư lao động có tuổi đời từ 30 - 49 chiếm 80%, tuy họ đã có gia đình và con cái nhưng do kinh tế khó khăn, chưa có tích lũy nên có nhu cầu tìm việc làm để tạo thu nhập cho gia đình.

Qua khảo sát của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tại ba tỉnh Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn và thông tin từ các tỉnh cho thấy, lao động di cư qua biên giới chủ yếu làm công việc phổ thông đơn giản, không đòi hỏi tay nghề và trình độ học vấn; nhưng lại đòi hỏi phải có sức khỏe và khả năng lao động cường độ cao. Thời gian lao động trung bình từ 9 - 10 giờ/ngày trong điều kiện mất vệ sinh, an toàn lao động, không có ngày nghỉ. Người lao động phải ở tập trung trong các khu nhà tạm bợ, tối tăm nhằm trốn tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng phía Trung Quốc. Tại các tỉnh giáp với nước bạn, những phụ nữ vượt biên lao động trái phép thường đi thành nhóm để nhận những việc thủ công, đơn giản như: Trồng chuối, trồng dứa, phát nương, thu hoạch mía, thu hái nông sản, trồng cao su, khai thác gỗ.

Bên cạnh đó cũng có những phần việc nặng nhọc và nguy hiểm có phụ nữ Việt Nam tham gia như phụ xây, đóng gạch, bốc vác hàng hóa, làm việc cho các xưởng gỗ, đào đãi vàng… Nhóm người nhận việc thường quây lều ở tại chỗ làm việc, cơm nước do bên thuê mang đến, xong việc nhóm tự giải tán. Một số công việc không đòi hỏi thời gian gấp hoặc gia đình gần đường biên thì người lao động có thể trở về nhà vào buổi tối. Một số ít phụ nữ trẻ ở huyện Mường Khương (Lào Cai) có người quen giới thiệu thì tìm được những việc ít nặng nhọc hơn, thường làm dài hạn (vài tháng hoặc cả năm) và ở sâu trong nội địa nước bạn tại xưởng sản xuất kẹo, sản xuất đồ chơi, làm đồ nhựa, may quần áo…

Người đứng đầu nhóm nhận việc, thỏa thuận tiền công với chủ thuê lao động. Khi xong việc khoán hoặc thời vụ sẽ nhận tiền công và chia cho các thành viên trong nhóm (trung bình mỗi người được 200.000-300.000 đồng/ngày công). Có người nhận tiền công theo ngày, nhưng đa số đều nhận tiền công theo đợt làm việc từ 10 ngày đến một tháng. Tại các xã địa bàn khảo sát, đối với phụ nữ, chưa có trường hợp nào bị quỵt tiền công, nhưng chị em phản ánh đã có trường hợp lao động là nam giới bị bắt, bị đánh, bị công an Trung Quốc đẩy trả về nên không lấy được tiền công. Đặc biệt khi người lao động đi qua khu vực biên giới rất dễ bị công an Trung Quốc kiểm tra và thu giữ tiền họ mang theo người, nên phải thuê người làm dịch vụ trung gian chuyển tiền qua biên giới với số phí phải trả cho trung gian là 1.000.000 đồng/người. Có trường hợp người làm dịch vụ trung gian bị bắt thì người lao động không được nhận tiền công.

Những hình thức di cư lao động

Theo khảo sát tại các địa phương, phụ nữ lao động chủ yếu di cư qua biên giới tìm việc làm theo mùa vụ và thường vào dịp nông nhàn. Tại Lào Cai và Lạng Sơn, người dân thường qua nước bạn lao động vào tháng 3 - 4, tháng 7 - 8 và tháng 11 - 12. Tuy nhiên, một số phụ nữ ở Mường Khương (Lào Cai) cho biết: “Cứ khi nào có việc, có người gọi là đi, không cứ vào lúc nông nhàn vì ở nhà ruộng, nương ít, chỉ một vài người làm là đủ”.

Theo lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, có nhiều hình thức vượt biên, nhưng chủ yếu theo hai đường: Thứ nhất là con đường hợp pháp bằng giấy thông hành hoặc chứng minh thư biên giới, sang Trung Quốc ngắn hạn trong ngày, từ 2 - 3 ngày, hoặc 3 tháng, đăng ký kinh doanh tại các chợ vùng biên giới hoặc các thành phố, thị trấn biên giới. Hình thức này tập trung chủ yếu tại các tỉnh có cửa khẩu quốc tế như Móng Cái (Quảng Ninh), TP Lào Cai (Lào Cai), TP Lạng Sơn (Lạng Sơn) và một số cửa khẩu chính ngạch khác.

Hình thức này giúp người lao động có thu nhập cao hơn, tận dụng được thời gian nông nhàn, có giấy tờ xuất nhập cảnh hợp lệ, tuy nhiên lại không giúp người lao động làm việc lâu dài, ổn định. Thứ hai là xuất nhập cảnh trái phép sang Trung Quốc (đi qua các lối mòn, cửa khẩu tiểu ngạch hoặc vượt sông suối sang Trung Quốc, không có giấy tờ xuất nhập cảnh). Lao động Việt Nam sang Trung Quốc theo hình thức này đa số là lao động phổ thông làm các công việc như: Bốc vác, vận chuyển hàng hóa, làm thuê tại các trang trại lớn trồng cây lương thực, cây ăn quả…

Người di cư lao động thường nhờ bạn bè, người thân đã và đang lao động qua biên giới cung cấp thông tin việc làm. Một số bị rủ rê, thuyết phục cùng tham gia. Một số trường hợp có quan hệ làm ăn, hôn nhân, bạn bè, quen biết qua lại lâu đời với người bên kia biên giới nên việc giao tiếp, tìm việc, giới thiệu người thân sang làm thuê có thuận lợi hơn. Trong điều kiện hạn chế thông tin về thị trường lao động, việc dựa vào họ hàng, người thân, bạn bè là lựa chọn an toàn và yên tâm nhất đối với người lao động, nhất là lao động nữ. Hiện đã có các tổ chức đưa lao động Việt Nam sang Trung Quốc bất hợp pháp. Khu vực biên giới phía Trung Quốc đã xuất hiện những công ty được thành lập chỉ để môi giới, tuyển chọn và cung cấp lao động là người Việt Nam cho các công ty và cá nhân người Trung Quốc có nhu cầu sử dụng lao động.

Hợp đồng lao động giữa họ với chủ sử dụng lao động thường không được kí kết mà chỉ là thỏa thuận miệng về mức lương và điều kiện làm việc. Có thể do chủ lao động không muốn liên đới về pháp luật, ràng buộc trách nhiệm, để dễ dàng bóc lột sức lao động và chiếm đoạt tiền công…). Từ đó dẫn tới việc người lao động phải chịu nhiều nguy cơ, rủi ro mà phổ biến nhất là thời gian làm việc của họ kéo dài hơn 12 giờ trong một ngày nhưng bị trả mức lương thấp, không đúng thỏa thuận hoặc bằng 50% mức lương mà lẽ ra người lao động được hưởng. Tiếp nữa là bị nợ lương, quỵt lương, bị quản lý chặt chẽ, đối xử ngược đãi, đánh đập, cưỡng bức lao động, bị giữ lại lương hoặc giấy tờ tùy thân; thậm chí có thể bị bắt giữ, đẩy đuổi về nước bất cứ lúc nào, hoặc bị tai nạn lao động, tử vong… Vì chỉ là “thỏa thuận miệng” nên thiệt thòi thường thuộc về người lao động Việt Nam.

Viết Tôn
Nhiều phụ nữ Khmer thoát nghèo, làm giàu
Nhiều phụ nữ Khmer thoát nghèo, làm giàu

Không chỉ làm tốt thiên chức của người vợ người mẹ, nhiều phụ nữ người dân tộc Khmer ở tỉnh Sóc Trăng còn cùng nhau vượt qua khó khăn, phấn đấu đưa bản thân, gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu, góp phần vào sự phát triển kinh tế của quê hương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN