Theo trang Guardian (Anh), phân tích mới được công bố bởi Tổ chức Giám sát thiệt hại Dân sự Airwars ước tính rằng các cuộc tấn công của Mỹ có thể đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 22.679 dân thường. Thậm chí, con số này có thể lên tới 48.308 người.
Dựa trên khẳng định của quân đội Mỹ rằng họ đã thực hiện gần 100.000 cuộc không kích kể từ năm 2001, phân tích của Airwars làm nổi bật số người thiệt mạng trong nhiều cuộc xung đột của cuộc chiến chống khủng bố kéo dài 20 năm của Mỹ.
Tính cả các cuộc tấn công vào Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, các cuộc xung đột ở Iraq và Afghanistan, cũng như các cuộc chiến chống lại các nhóm chiến binh và khủng bố ở Yemen, Somalia, Pakistan và Libya, Mỹ cho biết họ đã thực hiện ít nhất 91.340 cuộc tấn công trong 20 vòng năm. Báo cáo của Airwars cho biết 9.000 cuộc tấn công trong số đó nhắm vào IS.
Theo nghiên cứu của Airwars, 2003 là năm “đẫm máu” nhất trong hai thập kỷ qua với ít nhất 5.529 dân thường thiệt mạng. Con số này gần bằng số lượng người chết trong cuộc xâm lược Iraq của Mỹ vào năm đó.
Năm “đẫm máu” nhất sau đó là năm 2017, khi ít nhất 4.931 dân thường thiệt mạng, phần lớn trong các cuộc ném bom của liên quân vào Iraq và Syria. Tuy nhiên, theo ước tính tối đa, năm 2017 lại được cho là năm tồi tệ nhất đối với dân thường, với 19.623 người thiệt mạng, hầu hết đều là trong chiến dịch ném bom chống IS.
Các số liệu này được công bố ngay trước thềm lễ kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ chấm dứt các cuộc chiến tranh kéo dài suốt hai thập kỷ, đánh dấu bằng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.
Vấn đề thương vong dân sự do các cuộc không kích của phương Tây và các hoạt động quân sự khác trong cuộc chiến chống khủng bố luôn là vấn đề gây tranh cãi gay gắt. Mỹ và các đồng minh nhấn mạnh rằng họ đã nỗ lực hết mình để giảm thiểu thương vong cho dân thường.
Tuy nhiên, theo một tuyên bố của Lầu Năm Góc, dù các hoạt động trong cuộc chiến chống khủng bố được thực hiện trên phạm vi rộng lớn, Mỹ chưa từng tính toán tổng số dân thường thiệt mạng trong liên quan đến các hành động của họ. Trả lời email của Airwars, Bộ Chỉ huy Trung tâm của Lầu Năm Góc (Centcom) cho biết họ không có thông tin về tổng số dân thường thiệt mạng trong các cuộc không kích.
“Thông tin này không có tại văn phòng của chúng tôi vì nó trải dài với nhiều hoạt động, chiến dịch trong khoảng thời gian suốt 18 - 20 năm,” Centcom nói.
Tuy nhiên, theo Dự án Phí tổn Chiến tranh của Đại học Brown, khoảng 387.000 người dân đã thiệt mạng trong cuộc chiến chống khủng bố của tất cả các bên.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào các cuộc không kích trong bối cảnh nước này đang xem xét chính thức chính sách máy bay không người lái. Đồng thời, Mỹ cũng đã chấm dứt duy trì hiện diện tại Afghanistan sau thời gian cầm quyền của 3 đời Tổng thống George W Bush, Barack Obama và Donald Trump, kể từ vụ khủng bố ngày 11/9/2001.