Theo hãng tin Reuters, tuyên bố của quân đội Israel thông báo rằng nhân vật vừa bị tiêu diệt là Mahsein Abu Zina. Ngoài ra, quân đội Israel cũng đã không kích và tiêu diệt một số tay súng tham gia bắn tên lửa chống tăng cũng như tên lửa đất đối đất.
Truyền thông Palestine cũng đưa tin về các cuộc đụng độ giữa các tay súng Hamas và lực lượng Israel gần trại tị nạn al-Shati ở Thành phố Gaza.
Các thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh quân đội nước này đang thực hiện cả cuộc tấn công trên không và trên bộ nhắm vào mạng lưới đường hầm rộng lớn của Hamas ở Dải Gaza.
Thành phố Gaza là thành trì chính của nhóm Hamas trên lãnh thổ Dải Gaza và đang bị lực lượng Israel bao vây. Quân đội Israel đã tiến vào trung tâm thành phố này.
Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố Israel có một mục tiêu là các tay súng, các chỉ huy, cơ sở hạ tầng, hầm trú ẩn và phòng liên lạc của lực lượng Hamas.
Người phát ngôn quân đội Israel, Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari, cho biết công binh đang sử dụng thiết bị nổ để phá hủy mạng lưới đường hầm do Hamas xây dựng trải dài hàng trăm km bên dưới Gaza.
Trong khi đó, theo các nguồn tin của Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine, xe tăng của Israel đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ các tay súng Hamas khi họ sử dụng đường hầm để tiến hành các cuộc phục kích.
Người Israel đã lên tiếng lo ngại rằng các hoạt động quân sự có thể gây nguy hiểm hơn nữa cho các con tin vì họ được cho là đang bị giam giữ trong đường hầm. Israel cho biết họ sẽ không đồng ý ngừng bắn cho đến khi các con tin được thả.
Hamas thì khẳng định sẽ không ngừng chiến đấu trong khi Gaza đang bị tấn công. Quan chức cấp cao của Hamas, ông Ghazi Hamad, nói với đài truyền hình Al Jazeera rằng Israel chưa có thành tích quân sự nào trên bộ. Ông Hamad nói: “Gaza không thể bị phá vỡ và sẽ vẫn là cái gai trong cổ họng của người Mỹ và những người theo chủ nghĩa Do Thái”.
Về phần mình, Mỹ ủng hộ quan điểm của Israel rằng lệnh ngừng bắn sẽ giúp ích cho Hamas về mặt quân sự. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi Thủ tướng Benjamin Netanyahu tạm dừng giao tranh vì lý do nhân đạo.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, gần 2/3 trong số 2,3 triệu cư dân của Gaza phải dời bỏ nhà cửa, trong đó hàng nghìn người phải tìm nơi ẩn náu tại các bệnh viện.
Israel cho đến nay vẫn chưa rõ ràng về các kế hoạch dài hạn nếu đạt được mục tiêu đã nêu là tiêu diệt Hamas. Trong một số bình luận trực tiếp đầu tiên về chủ đề này, ông Netanyahu cho biết Israel sẽ tìm cách chịu trách nhiệm an ninh chung ở Gaza trong một thời gian không xác định sau xung đột với Hamas.
Tuy nhiên, các quan chức tuyên bố rằng Israel không quan tâm đến việc quản lý vùng đất này. Ông Gallant nói sau khi chiến tranh kết thúc, cả Israel và Hamas sẽ không cai trị Gaza.
Trong khi đó, ngày 7/11, Mỹ đã bày tỏ quan điểm phản đối Israel chiếm đóng lâu dài Dải Gaza. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nêu rõ: “Quan điểm của chúng tôi là người Palestine phải đi đầu trong các quyết định này và Gaza là đất của người Palestine và sẽ vẫn là đất của người Palestine. Chúng tôi không ủng hộ việc tái chiếm Gaza”. Bên cạnh đó, ông Patel cũng nhấn mạnh: “Israel và khu vực phải được đảm bảo an ninh và Gaza không nên và không thể là căn cứ để tiến hành các cuộc tấn công chống người dân Israel hoặc bất kỳ ai khác”.
Năm 2005, Israel đã rút khỏi Dải Gaza, vùng đất mà nước này chiếm được trong cuộc chiến 6 ngày vào năm 1967. Sau đó, Tel Aviv áp đặt lệnh phong tỏa sau khi lực lượng Hamas giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này vào năm 2007.