Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, tuyên bố nêu rõ: "Israel hoàn toàn bác bỏ các quyết định của quốc tế liên quan đến một sắp đặt vĩnh viễn cho người Palestine. Một sự sắp đặt, nếu đạt được, sẽ chỉ diễn ra thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên mà không có điều kiện tiên quyết. Israel sẽ tiếp tục phản đối việc đơn phương công nhận Nhà nước Palestine".
Israel phản đối việc công nhận này sau vụ tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas và coi đây là hành động ngăn cản mọi giải pháp hòa bình trong tương lai.
Tuyên bố được thông qua với sự nhất trí của tuyệt đại đa số các thành viên Nội các Israel. Quyết định nhằm phản ứng trước việc ngày có càng nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước đồng minh của Israel, cho rằng giải pháp bền vững cho cuộc xung đột với phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza hiện nay là sự ra đời của một Nhà nước Palestine độc lập.
Mới nhất, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 17/2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nêu bật tính "cấp bách" phải xúc tiến thành lập một Nhà nước Palestine để đảm bảo an ninh cho Israel và đây là "cơ hội đặc biệt" để Israel hội nhập với các quốc gia Arab ở Trung Đông.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết việc công nhận Nhà nước Palestine không còn là điều cấm kỵ ở Pháp, hàm ý Paris có thể đưa ra quyết định về việc này nếu các nỗ lực hướng đến giải pháp hai nhà nước bị cản trở vì sự phản đối của Israel.
Sau cuộc chiến tranh giữa người Do Thái và người Arab, năm 1947, Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 181 về việc thành lập nhà nước độc lập cho mỗi bên tại mảnh đất Palestine ủy trị của Anh. Nghị quyết này dẫn đến sự thành lập của Nhà nước Israel năm 1948, trong khi một nhà nước chính thức cho người Palestine vẫn chưa được ra đời.