Theo đài RT, Bộ trưởng Tư pháp Israel Gideon Saar ngày 18/10 tuyên bố rằng Israel sẽ không vũ trang cho Ukraine, bất chấp đề nghị của Ngoại trưởng Nachman Shai về cung cấp vũ khí cho Kiev.
Ukraine đã nhiều lần gây sức ép với Israel về vấn đề vũ khí, và dự định sẽ tiếp tục kiến nghị với Tel Aviv trong những ngày tới.
“Sự hỗ trợ của chúng tôi dành cho Ukraine không bao gồm các hệ thống vũ khí và khí tài - và không có sự thay đổi nào với quan điểm đó”, Bộ trưởng Saar phát biểu với Đài phát thanh quân đội Israel ngày 18/10, được tờ Haaretz dẫn lại.
Trước đó, hôm 16/10, ông Shai tuyên bố “đã đến lúc Ukraine nhận viện trợ quân sự” từ Israel, đồng thời cáo buộc rằng Iran đang cung cấp tên lửa đạn đạo cho Nga. Iran khẳng định rằng tuyên bố này là "vô căn cứ" và họ không vũ trang cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuyên bố của Bộ trưởng Shai đã làm dấy lên sự giận dữ ở Moskva. Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev – Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cảnh báo rằng viện trợ quân sự của Israel cho Ukraine sẽ "phá hủy mọi quan hệ ngoại giao" giữa hai nước. “Israel dường như đã quyết định cung cấp vũ khí cho Kiev. Đây là quyết định rất liều lĩnh vì sẽ làm tổn hại đến tất cả mối quan hệ giữa các quốc gia”, ông Medvedev viết trên kênh Telegram.
Phát biểu về việc Tel Aviv sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng gây ra một làn sóng phản đối ở chính Israel. Tuy nhiên, các nguồn tin chính phủ nói với tờ Times of Israel rằng Israel không có kế hoạch trang bị vũ khí cho Ukraine và phát ngôn của ông Shai không phản ánh chính sách của chính phủ.
Israel cũng từ chối yêu cầu từ Ukraine hôm thứ Hai về việc tổ chức một cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Benny Gantz và người đồng cấp Ukraine, Alexey Reznikov.
Tuy nhiên, Kiev không nản lòng. Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba ngày 18/10 cho biết chính phủ của ông sẽ gửi công hàm chính thức tới Israel yêu cầu cung cấp vũ khí phòng không. Ukraine đã kêu gọi Israel tài trợ các hệ thống này trong nhiều tháng qua. Tháng trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky từng nói với các phóng viên Pháp rằng ông “bị sốc” trước sự từ chối của Tel Aviv và cáo buộc rằng chính phủ Israel đang chịu “ảnh hưởng của Nga”.
Từ tháng 6 năm nay, Đại sứ Ukraine tại Israel, Yevgen Korniychuk, từng kêu gọi Tel Aviv bán hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) cho nước này nhằm đối phó với Nga. Vòm Sắt là hệ thống phòng không nhiều lớp, nòng cốt là tổ hợp đánh chặn phòng thủ tên lửa giai đoạn cuối mới mang tên Stunner, được thiết kế để đánh chặn các tên lửa và rocket ở cự ly từ 40-200km. Không chỉ chặn tên lửa, Vòm Sắt còn tiêu diệt được pháo, súng cối, máy bay, trực thăng hoặc các loại máy bay không người lái. Nó tạo nên một lá chắn phòng ngự trên khu vực được triển khai, được thiết kế xử lý cùng lúc nhiều mối đe dọa cả ngày lẫn đêm và trong mọi điều kiện thời tiết.
Mặc dù Israel lên án hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, nhưng vấn đề cung cấp vũ khí của nước này còn phụ thuộc vào liên hệ ngoại giao với Moskva, đặc biệt là khi các máy bay chiến đấu của Israel thường tiến hành các cuộc không kích ở Syria, nơi Nga kiểm soát không phận.
Ngay sau thông báo của Ngoại trưởng Ukraine, Kuleba, truyền thông Israel đưa tin rằng Thủ tướng Yair Lapid sẽ phát biểu với đài FM Ukraine về yêu cầu của ông vào ngày 20/10. Tuy nhiên, một quan chức an ninh cấp cao nói với trang tin Ynet rằng cuộc trao đổi này có thể sẽ không thay đổi lập trường của Israel.