Sau khi phát hiện, MEP đã yêu cầu chính quyền các địa phương liên quan tăng cường công tác giám sát và nếu cần thiết sẽ phải có biện pháp ngăn chặn và tiêu diệt giống muỗi này ngay lập tức. Đồng thời, người dân ở cả hai khu vực trên được khuyến cáo thực hiện một số biện pháp phòng tránh muỗi đốt, như giảm nước tưới, dọn dẹp nước tù đọng, lắp rèm cửa sổ, bật quạt và sử dụng thuốc chống côn trùng.
Giám đốc Cục Kiểm soát Dịch hại thuộc MEP, Gal Zagron cho biết: "Nhiệt độ và độ ẩm làm tăng hoạt động của muỗi. Chỉ bằng một vài hành động đơn giản, chẳng hạn như hạn chế tưới cây, làm vệ sinh nước đọng, sử dụng thuốc chống côn trùng là có thể ngăn ngừa muỗi quanh môi trường sinh sống".
Virus "Tây sông Nile" chủ yếu xuất hiện ở chim chóc và muỗi là vật trung gian truyền loại virus này sang người. Những người nhiễm bệnh thường bị các triệu chứng giống như cúm, bao gồm đau đầu, sốt cao, mệt mỏi, đau nhức toàn thân, viêm kết mạc, phát ban và thậm chí là buồn nôn và tiêu chảy. Đáng lo ngại là một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân có thể bị biến chứng thành nhiễm trùng não dẫn đến tử vong. Theo Bộ Y tế Israel cho biết, kể từ đầu năm đến nay tại quốc gia Trung Đông này đã ghi nhận 7 người mắc bệnh và 2 người tử vong vì virus "Tây sông Nile".