Dẫn bài viết đăng trên báo Mỹ Axios ngày 25/5, kênh truyền hình RT đưa tin Israel sẽ không cho phép Đức bán tên lửa chống tăng Spike cho Ukraine. Tên lửa này được sản xuất tại Đức theo một hợp đồng với Israel và phải được Tel Aviv chấp thuận thì tên lửa mới được xuất khẩu sang nước khác. Đầu tháng 5, Lầu Năm Góc đã hỏi ý kiến của một quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Israel khi ông này có chuyến thăm tới Washington, song yêu cầu đã bị từ chối.
Xem video Israel biểu diễn uy lực của tên lửa Spike (nguồn: Rafael):
Một quan chức Israel giấu tên chia sẻ quốc gia này lo ngại binh sĩ Nga có thể mất mạng do vũ khí của Israel, từ đó dẫn tới việc Moskva làm tổn hại đến lợi ích an ninh của Tel Aviv ở Syria.
Thông tin được đưa ra hai tuần sau khi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Colin Kahl đã nêu đề nghị khi ông trực tiếp gặp gỡ quan chức quốc phòng cấp cao của Israel Amir Eshel. Ông Eshel đã nói không và khẳng định Israel sẽ chỉ cung cấp cho Kiev trang thiết bị quân sự không gây chết người.
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz tới Washington vào hôm 18/5, vấn đề về tên lửa không được nêu ra trong cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin và Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan. Cùng ngày, Israel thông báo sẽ chuyển 2.000 mũ bảo hiểm và 500 áo chống đạn cho Ukraine.
Lầu Năm Góc không có bình luận chính thức nào về thông tin trên.
Là một sản phẩm sáng tạo của công ty công nghệ quốc phòng Rafael của Israel, tên lửa chống tăng Spike được đưa vào sử dụng từ những năm 1980. Tên lửa có thể được trang bị đầu đạn đạn chống tăng hoặc đầu đạn phân mảnh. Mỹ và một số đồng minh NATO trang bị loại vũ khí này trên trực thăng tấn công.
Trong nhiều tuần qua, Mỹ và các đồng minh đã cung cấp hàng nghìn tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không, cũng như pháo binh, xe bọc thép, xe tăng và trực thăng tấn công cho Ukraine. Trước Israel, Thụy Sĩ cũng được cho là gián tiếp ngăn Đức chuyển xe chiến đấu bộ binh Marder cho Ukraine.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos ngày 25/5, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba miêu tả tình hình ở Donbass là "cực kỳ tồi tệ" và nếu Mỹ không gửi cho Kiev hệ thống phóng tên lửa MLRS, lực lượng của họ sẽ không thể tiếp tục tấn công.
Từ cuối tháng 2, Nga đã triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sau khi cáo buộc quốc gia láng giềng không thực hiện các điều khoản của các thỏa thuận Minsk được ký kết lần đầu tiên vào năm 2014.
Kể từ đó đến nay, Điện Kremlin luôn yêu cầu Ukraine tuyên bố là một quốc gia trung lập và cam kết không bao giờ tham gia vào khối quân sự NATO do Mỹ đứng đầu.
Về phần mình, Kiev khẳng định hoạt động quân sự của Nga là hoàn toàn vô cớ và bác bỏ thông tin cho rằng nước này đang có kế hoạch giành lại Donetsk và Luhansk bằng vũ lực.