Israel áp dụng chiến lược để buộc Hamas từ bỏ miền Bắc Gaza

Tình hình nhân đạo khẩn cấp tại Gaza đang gia tăng, với hàng chục nghìn cư dân phải di dời, trong khi điều kiện sống trở nên khắc nghiệt và thiếu thốn. 

Chú thích ảnh
Trẻ em nhận thức ăn cứu trợ tại trại tị nạn Jabalia, Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Đài phát thanh Quốc tế Deutsche Welle (Đức) ngày 16/10, cuộc tấn công mới nhất của Israel vào Jabaliya, một trại tị nạn ở phía Bắc Gaza, đã khiến cộng đồng quốc tế và người dân địa phương dấy lên mối lo ngại rằng Israel đang triển khai chiến lược "đầu hàng hoặc chết đói".

Chiến lược này nhằm buộc phong trào Hamas phải từ bỏ quyền kiểm soát ở miền Bắc Gaza thông qua việc cưỡng chế di dời cư dân và phong tỏa khu vực.

Cuộc tấn công của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã gây ra một tình trạng nhân đạo khủng hoảng tại Jabaliya. Mohammed, cư dân nơi đây, cho biết tình hình vô cùng nguy hiểm: “Họ yêu cầu chúng tôi rời đi, nhưng không có thời gian. Khu vực này bị bao vây và bị bắn phá”.

IDF đã ra lệnh cho mọi người rời khỏi khu vực, dựa trên thông tin tình báo cho rằng Hamas đang nỗ lực tái tổ chức lực lượng tại đây. Điều này dẫn đến việc khoảng 50.000 người đã phải di dời chỉ trong hai tuần.

Tình hình ở phía Bắc Gaza hiện đang "khủng khiếp". Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), khoảng 84% lãnh thổ tại đây đang nằm trong "lệnh sơ tán". Các cư dân đã phải sống trong điều kiện khắc nghiệt, thiết thốn thực phẩm và nước uống, khi mà nhiều khu vực không thể tiếp cận do giao tranh.

Nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế lo ngại rằng chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza đang phản ánh một kế hoạch được gọi là "đầu hàng hoặc chết đói". Kế hoạch này, do một nhóm sĩ quan đã nghỉ hưu đề xuất, nhằm mục đích buộc Hamas phải đầu hàng bằng cách tạo ra áp lực lớn lên dân cư còn lại ở phía Bắc Gaza.

Theo kế hoạch, dân cư sẽ được lệnh di dời về phía Nam, trong khi khu vực phía Bắc sẽ bị phong tỏa hoàn toàn. Bất kỳ ai ở lại sẽ bị coi là kẻ thù và nguồn cung cấp sẽ bị chặn.

Sự phong tỏa và các cuộc tấn công quân sự đã dẫn đến thiếu thốn nghiêm trọng về lương thực, nước uống và dịch vụ y tế. Các bệnh viện ở Gaza đã phải đóng cửa và dịch vụ cấp cứu không thể hoạt động trong những khu vực có giao tranh ác liệt.

Muhannad Hadi, điều phối viên nhân đạo cho vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, đã lên tiếng báo động về tình trạng này: “Kể từ ngày 1/10, chính quyền Israel đã ngày càng cắt đứt nguồn cung cấp thiết yếu cho miền Bắc Gaza”.

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc, đã bày tỏ lo ngại về chiến lược này của Israel, cho rằng đây là một hành động vi phạm nghiêm trọng các quy định quốc tế về nhân quyền. Trong khi đó, quân đội Israel đã phủ nhận những cáo buộc này, khẳng định rằng hành động của họ nhằm mục đích bảo vệ an ninh quốc gia trước mối đe dọa từ Hamas.

Dù có lệnh sơ tán, nhiều người dân vẫn quyết định ở lại. Những người như Aya Tawfik, một y tá tình nguyện, đã chạy trốn cùng gia đình, nhưng vẫn cảm thấy không an toàn ở nơi mới. “Chúng tôi không muốn đi về phía Nam, điều kiện ở đó rất khắc nghiệt”, cô cho biết. Nhiều người dân Gaza hiện đang sống trong lo sợ không chỉ về sự sống còn mà còn về tương lai của chính họ. Họ sợ rằng sẽ không bao giờ được trở về nhà và sẽ phải sống trong tình trạng tị nạn vĩnh viễn.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Dw.com)
Pháp cấm công ty Israel tham gia triển lãm quân sự
Pháp cấm công ty Israel tham gia triển lãm quân sự

Trong bối cảnh có nhiều ý kiến trái chiều về xung đột ở Trung Đông, ngày 16/10, Chính phủ Pháp đã quyết định cấm các công ty Israel được trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một sự kiện triển lãm quân sự sẽ diễn ra vào tháng 11 tại nước này. Đây là lần thứ hai trong năm Pháp không hoan nghênh các công ty Israel tham gia một sự kiện quốc phòng lớn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN