IS có ‘ngân sách’ 300 triệu USD để thực hiện các vụ khủng bố toàn cầu

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng vẫn giữ trong tay số tiền 300 triệu USD sau khi “caliphate” (vương quốc) của chúng ở Iraq và Syria bị đập tan.

Ngày 6/8, hãng thông tấn AP dẫn phát biểu của ông Guterres trước Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cảnh báo, do vậy, các vụ tấn công khủng bố do IS chủ mưu sẽ chỉ tạm thời lắng xuống. 

Tuần trước, trong một báo cáo khác gửi lên HBĐA, các chuyên gia của LHQ cho hay các thủ lĩnh của IS đang nhắm đến củng cố địa vị và tạo ra thời cơ để “trỗi dậy ở các thành trì tại Iraq và Syria”. Báo cáo cho rằng tình trạng tạm lắng tấn công hiện nay “sẽ không kéo dài, thậm chí không đến cuối năm 2019”.

Chú thích ảnh
Lá cờ đen của IS. Ảnh: Reuters

Ông Guterres nhấn mạnh rằng trong khi việc bị mất lãnh thổ đã tước đi khả năng khai thác tiền của từ các mỏ dầu và dân thường của IS thì chúng được cho là vẫn có các nguồn tài trợ trực tiếp để tiến hành “hành động khủng bố” trong Iraq, Syria và ở nước ngoài. Các hoạt động chuyển tiền mờ ám, hay còn gọi là hawaladars, chính là hình thức tài trợ phổ biến nhất. 

Ngoài ra, theo Tổng thư ký LHQ, các cổ vật quý giá mà IS cướp bóc được ở Iraq cũng đóng vai trò là một nguồn tiền để nuôi sống IS. Những nhân chứng cho biết tổ chức khủng bố này còn lập ra một đơn vị đặc biệt phụ trách bán cổ vật. Tuy nhiên, bọn chúng cũng đang khuyến khích các phần tử tự lôi kéo tài chính thông qua mạng lưới kẻ mộ đạo và các chi nhánh thánh chiến từ khắp nơi ở Trung Đông, châu Phi và châu Á. 

Một mạng lưới bí mật của IS hoạt động trong phạm vi tỉnh tại Iraq kể từ năm 2017 đã được nhân ra tại Syria, với số vụ tấn công đang gia tăng tại những khu vực do chính phủ kiểm soát.  

Ông Antonio Guterres cho hay hoạt động phản kháng của các phần tử thánh chiến tại Iraq, trong đó có việc đốt phá mùa màng, được dựng lên nhằm ngăn cản nỗ lực bình thường hóa và tái thiết ở đây, với mưu đồ rằng người dân bản địa sẽ đổ lỗi cho giới chức Iraq. Ở Syria cũng xuất hiện kịch bản tương tự. 

Bản báo cáo trên cũng đề cập đến những mối lo ngại từ việc các chiến binh IS và gia đình trở về quê hương. Dẫn thống kê của một số quốc gia không nêu tên, báo cáo cho biết có trung bình 25% ngoại binh đã chết trong cuộc chiến chống khủng bố và còn 15% không được tính tới. “So với con số ban đầu có xấp xỉ 40.000 người gia nhập IS, và hiện vẫn còn khoảng 24.000 – 30.000 tên khủng bố còn sống”, chủ yếu ở Syria và Iraq. 

Sự sụp đổ của IS tại Iraq và Syria cũng đã khiến nhiều nước gặp khó khi xử lý các phần tử gia nhập hàng ngũ IS và thân nhân họ, những người muốn hồi hương do lo ngại mầm mống tư tưởng khủng bố hằn sâu trong các đối tượng này tạo mối nguy an ninh cho chính đất nước tiếp nhận họ trở lại.

Người đứng đầu cơ quan nhân quyền của LHQ, bà Michelle Bachelet hồi cuối tháng 6 cho hay trên 55.000 chiến binh cùng gia đình của họ đã bị bắt giam ở Iraq và Syria. Đa số đang trong sự giám sát của Chính phủ Iraq cùng Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn. Được biết, những người này là công dân của trên 50 nước khác nhau. Bà Bachelet thông báo riêng trại tị nạn Al Hol ở Đông Bắc Syria đang có trên 11.000 thân nhân của các phần tử IS lưu trú. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Iraq bắt đầu giai đoạn 3 cuộc tấn công lớn truy lùng tàn quân IS
Iraq bắt đầu giai đoạn 3 cuộc tấn công lớn truy lùng tàn quân IS

Quân đội Iraq ngày 5/8 thông báo đã bắt đầu giai đoạn 3 cuộc tấn công lớn nhằm truy lùng tàn quân của tổ chức khủng bố Nhà nước hồi giáo (IS) tự xưng tại miền Bắc và Đông nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN