Iraq ơi, sao lại thế?

Loáng cái đã tròn 36 năm kể từ lần đầu tiên tôi được “làm việc” với người Iraq. 23 năm được đến xứ ấy lần đầu, mà cả hai đều để lại những ấn tượng thật tuyệt vời, không thể nào quên vì cứ ngỡ vừa mới hôm qua, hôm kia. Còn một câu chuyện khác, mới mẻ hơn nhiều, chỉ 10 năm thôi kể từ ngày Mỹ và liên quân đưa nhau tới đây, cả trăm nghìn người chết, mọi thứ tan tành. Tôi cứ cố quên đi, nhưng cũng không thể. Mọi vui buồn, ơn oán cứ quấn lấy mình mãi, ai cũng bảo bỏ qua cái này đi, gác cái kia lại, nhưng đâu có dễ thế!.


Phụ nữ và trẻ em Iraq sơ tán sau một vụ nổ bom tại Baghdad năm 2004. Ảnh: Internet


Nói là “làm việc” cho “oai” thôi, chả là thời sinh viên, tôi được nhà trường giới thiệu đến thực tập tại một cơ quan Iraq ở Mátxcơva, và cũng nói là thực tập thế thôi, chứ thực ra chỉ là tay… sai vặt, được cái thoải mái nói tiếng Arập với các”Rafik” (Đồng chí) chủ nhà, và ngộ thấy họ rất có tình cảm với Việt Nam. Hồi ấy phương tiện truyền thông còn lạc hậu lắm, nhưng các “rafik” ấy đều rất rành và cập nhật mọi thông tin về đất nước ta. Sau này, có lần trở lại Nga, tôi quyết tìm lại họ để tri ân, nhưng cơ quan ấy đã bị đóng cửa vì bên nhà họ đang phải dốc tiền của vào cuộc chiến bị xúi giục với nước láng giềng. Iraq ơi, sao lại thế?


Chỉ vài năm sau cuộc chiến tàn khốc và tốn kém vô ngần ấy cho cả Irắc lẫn Iran, chỉ béo những”con cò” bên ngoài, đã béo mẫm rồi, lại vớ thêm mồi, tôi lần đầu tiên được đến xứ này khi đang hành nghề báo ở Trung Đông. Trời ơi, sao lại có một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh đã kịp thay da đổi thịt nhanh đến thế, chỗ nào cũng như thiên đường của du lịch, mua sắm, nhất là vàng bạc đá quý. Không cần hỏi cũng biết, nơi có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ ba thế giới với 140 tỷ thùng, chỉ sau Arập Xêút (264 tỷ thùng) và Venezuela (211 tỷ thùng), thì đương nhiên thứ vàng đen ấy đã làm nên tất cả, cả kỳ tích lẫn tang thương.


Kỳ tích là đấy, còn tang thương phải đợi đến 2001, sau mấy lần qua lại nữa, tôi đến đây lần cuối cùng cho đến bây giờ. Lúc ấy “Thụy Sĩ của Trung Đông” này đang chìm trong lệnh cấm vận nghiệt ngã sau khi hứng chịu cơn “Bão táp sa mạc” do Mỹ phát động để trả thù việc Iraq gây chiến với (lại là một nước láng giềng) Kuwait. Ở đấy mà cứ như đang ở hoang mạc: Cửa hàng, chợ búa trống rỗng, rặt người hành khất, còn đồng tiền Đina mới hôm nào “oai” là thế, phải “ăn” tới 4-5 USD, thế mà lúc bấy giờ người ta đều tính bằng cân, bằng lạng, chứ không công sức đâu mà đếm cho xuể. Iraq ơi, sao lại thế?


Nghe câu hỏi ấy mà não cả lòng, nhưng quả thật nó “chưa là gì” nếu so với bây giờ, khi Iraq phải sống lay lắt 10 năm trời trong màn đêm dày đặc sau cuộc viễn chinh của Mỹ với 150.000 quân, cộng thêm 46.000 lính Anh, rầm rập kéo đến đây hôm 20/3/2003 để “tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt(?!)”. Nhớ mãi lần tôi được gặp Cố Tổng thống Saddam Hussein tại dinh thự vô cùng tráng lệ ở ngoại ô Baghdad, trông oai phong, bệ vệ lắm. Thế mà chỉ ít lâu sau khi quân Mỹ đến, con người ấy phải sống chui nhủi trong sự truy lùng gắt gao của cả quân ngoại bang, lẫn quân “trong nhà”, từng một thời suốt ngày dạ dạ vâng vâng với ông, và cuối cùng cái giá treo cổ đã đặt dấu chấm hết cho chiếc ghế quyền lực của ông trong tâm trạng lẫn lộn buồn, vui và cả công phẫn nữa của muôn dân. Iraq ơi, sao lại thế?


Cái chết, dù chỉ của một người, cũng vẫn là mất mát lớn. Đằng này cuộc chiến kia đã tước đi 136.000 sinh mạng các chiến binh và dân thường Iraq, cộng thêm 4.400 lính Mỹ và cả nghìn lính nước ngoài khác nữa. Đấy là chưa kể hàng trăm nghìn người khác, bản xứ có, nước ngoài có, tuy đang sống đấy, nhưng cũng… gần như chết vì mất tay, liệt não, hay điên loạn khi biết mình bị lừa đi giết người. Iraq ơi, sao lại thế?


Nhớ có lần vào năm 2007 ở thành phố “Sita Oktoub” (Mồng 6 tháng Mười) của Ai Cập, một người tị nạn Iraq nói rằng ở quê ông bấy giờ cứ bữa nào no, đấy là cỗ. Và ông còn bảo tòa khách sạn thuộc loại sang nhất ở Baghdad, nơi tôi từng được lưu lại mấy ngày, đã bị bom đạn Mỹ san phẳng cùng hàng trăm, hàng nghìn ngôi nhà như thế. Thế là vì chiến tranh, nơi từng “sống trên tiền” nhờ dầu mỏ, chục năm nay phải ngửa tay xin từng đồng viện trợ Mỹ, do nền kinh tế gần như bất động: Dầu khí nằm yên trong lòng đất, các điểm du lịch phủ đầy bụi, công nhân chưa kịp vào ca đã lo tránh đạn,v.v, để cả nghìn tỷ đôla bị mất trắng. Iraq ơi, sao lại thế?


Thời sinh viên, chúng tôi ở cùng “Ốp” (Ký túc xá) với các bạn Arập, nhưng hễ hỏi ai theo dòng Sunni, ai người Shiite, là họ bực lắm, vì với họ, mọi người Hồi giáo đều là “anh em một nhà”. Thế mà cuộc chiến kể trên đã đẩy người Sunni và người Shiite tới chỗ choảng nhau vỡ đầu, người miền Nam coi người miền Bắc là kẻ sát nhân, người quê gọi người tỉnh là lũ ăn hại..v.v.. Vâng, 10 năm qua, cả nước Irắc rần rần với những mối hận thù và chém giết nhau như thế, xã hội rối loạn, chứ không phải Mỹ đưa quân vào để “ươm mầm dân chủ” như ông chủ Nhà Trắng lúc bấy giờ là G. Bush tuyên bố khi phát động cuộc chiến này đâu. Lạ thật, mầm gì mà ươm mãi 10 năm không nẩy (?!). Iraq ơi, sao lại thế?


Có đến các nước Hồi giáo mới thấy hết sự huyền bí, sùng bái và linh thiêng của đạo Hồi. Với các tín đồ ấy, chỉ một lời nói phảng phất ý chê bai, miệt thị đạo Hồi, là phải chết; vào nhà thờ phải bỏ giày dép, sạch sẽ chân tay, vì đấy là chỗ “gần” Thánh Allah nhất. Ấy thế mà tính đến trước khi rút vào cuối năm 2011, lính Mỹ và liên quân cứ giầy đinh, súng cối rầm rầm trong các nhà thờ Hồi giáo ở Irắc, và nữa, ai cũng biết người Hồi giáo rất khó chấp nhận nền văn hóa phương Tây, thế nhưng 10 năm qua ở đây cứ những là đèn mờ, nhạc rốc, hình xăm..v.v.. và có cả các cô gái “thiếu vải” nữa. Irắc ơi, sao, sao lại thế nhỉ?


Còn nhiều lắm nữa những câu hỏi ấy, song câu trả lời rút ra từ vô số sách báo viết về cuộc chiến này, có lẽ chỉ có một: Dầu mỏ. Trời ạ! Hóa ra với Iraq, nó là cha đẻ của cả thiên đường lẫn địa ngục.



Phạm Phú Phúc (Phóng viên TTXVN tại LHQ)

Nhìn lại 10 năm cuộc chiến Iraq
Nhìn lại 10 năm cuộc chiến Iraq

Hàng trăm tỷ USD đã được tung ra, gần 4.500 binh sĩ và khoảng 130.000 dân thường đã thiệt mạng - đó là những con số từ cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu nhằm lật đổ nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein với lý do "tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN