Hãng thông tấn Tasnim nêu rõ: "Ngày mai (17/6) tại khu vực lò phản ứng nước nặng Arak, Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (IAEO) sẽ công bố các bước đi sơ bộ nhằm giảm bớt những cam kết của Tehran trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân".
Liên quan đến sự cố tàu trên Vịnh Oman, cùng ngày, hãng thông tấn chính thức của Iran IRNA dẫn lời Chủ tịch Quốc hội nước này Ali Larijani cho rằng có thể chính Mỹ đứng sau vụ tấn công các tàu chở dầu tại Vịnh Oman nhằm tăng sức ép lên Tehran.
Phát biểu với các nghị sỹ Quốc hội, ông Larijani nêu rõ: "Những hành động đáng ngờ nhằm vào tàu chở dầu... dường như bổ sung thêm lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran, đang được cho là chưa đạt được bất kỳ kết quả nào". Ông giải thích "đã có tiền lệ trong thời kỳ Thế chiến II, khi người Mỹ nhằm mục tiêu vào tàu của chính họ gần Nhật Bản để tạo cớ gây thù địch".
Trong sự cố ngày 13/6, tàu chở dầu Front Altair của công ty vận tải Na Uy đã bị bốc cháy sau khi bị tấn công khi đang trên đường từ Qatar đi Đài Loan (Trung Quốc). Ngay sau đó, tàu chở dầu Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) vận hành cũng bị bốc cháy khi đang trên đường từ một cảng của Saudi Arabia đến Singapore và Thái Lan. Washington cáo buộc Tehran đứng sau vụ tấn công. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif bác bỏ cáo buộc của Mỹ, cho rằng cáo buộc này "vô căn cứ".
Sự cố trên đã làm dấy lên lo ngại một cuộc đối đầu quân sự trên hải trình quan trọng đối với dầu mỏ thế giới. Cho dù Tehran và Washington đều nói rằng họ không có lợi gì khi phát động chiến tranh, nhưng điều này cũng không giúp trấn an những lo ngại rằng hai quốc gia thù địch này có thể lao vào cuộc xung đột.