Giám đốc Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo ông Salehi, các hoạt động hạt nhân của Iran sẽ vẫn nằm trong khuôn khổ của thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Ông Salehi cho biết thêm Iran đã phát triển cơ sở hạ tầng cho hoạt động sản xuất điện tại Natanz.
Trước đó cùng ngày, Iran đã thông báo cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) về việc sẽ tăng công suất làm giàu urani trong những giới hạn mà JCPOA đặt ra. Theo người phát ngôn AEOI Behrouz Kamalvandi, Iran đã gửi một bức thư đề cập chi tiết về hành động trên của nước này cho IAEA.
Trước đó, hôm 4/6, lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei (A-li Kha-mê-ni) đã ra lệnh thực hiện các bước chuẩn bị để gia tăng công suất làm giàu urani nếu thỏa thuận hạt nhân ký kết với các cường quốc sụp đổ sau khi Mỹ rút đi. Ông cũng khẳng định sẽ không chấp nhận giới hạn chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Vấn đề hạt nhân Iran nóng trở lại sau khi ngày 8/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA với lý do văn kiện này không ngăn cản được Iran phát triển vũ khí hạt nhân hoặc hỗ trợ khủng bố trong khu vực. Ông Trump cũng tuyên bố sẽ khôi phục các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan tới vấn đề hạt nhân nhằm vào chính quyền Iran và sẽ bắt đầu áp đặt trừng phạt ở mức cao nhất. Trong khi đó, IAEA khẳng định Iran đã tuân thủ tất cả các điều kiện được đưa ra trong JCPOA.
Hiện các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA đang tìm cách cứu vãn thỏa thuận này thông qua việc tìm kiếm các biện pháp nhằm duy trì thương mại với Iran nhằm thuyết phục nước Cộng hòa Hồi giáo không rút khỏi JCPOA. Theo đó, EU đang cân nhắc đề xuất thiết lập những kênh thanh toán và tín dụng mới cho Iran, gia tăng hợp tác năng lượng và áp dụng luật cho phép các doanh nghiệp EU không phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran.