Theo IRNA, giới chức Iran đã chuẩn sẵn sàng các phương án đối phó với từng "kịch bản" của các mối đe dọa từ lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm ngăn chặn những tác động tiêu cực. Một trong những giải pháp đó là tự cung tự cấp trong lĩnh vực sản xuất xăng.
Một cơ sở lọc dầu của Iran trên đảo Khark. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngoài ra, Chính phủ và Quốc hội Iran đã thành lập một ủy ban nghiên cứu về những đối tác tiềm năng mua dầu mỏ của nước này cũng như các giải pháp đưa kiều hối về nước sau khi các biện pháp trừng phạt có hiệu lực. Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 26/6 thông báo Tổng thống Donald Trump đã đề nghị các nước đồng minh từ tháng 11/2018 ngừng nhập khẩu dầu của Iran.
Bên cạnh đó, Iran cũng đã hối thúc các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở nước này phối hợp. Ngày 30/6, Bộ trưởng Công nghiệp Iran Mohammad Shariatmadari kêu gọi tất cả doanh nghiệp nước ngoài không nên bị các lệnh trừng phạt của Mỹ hăm dọa và nên duy trì hoạt động tại quốc gia Trung Đông này. Ông cũng khẳng định có nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác sẽ đầu tư vào Iran để thay thế những công ty nước ngoài rời đi.
Người đứng đầu Bộ Công nghiệp Iran cho biết thêm hiện Tehran đang trong quá trình thương lượng với các hãng sản xuất xe ô tô của Pháp như PSA và Renault về việc duy trì sự vận hành của các hãng này ở Iran. Theo ông Shariatmadari, cho đến thời điểm hiện tại, Iran vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin về việc các hãng xe này sẽ rời đi.
Ngày 8/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, và Đức, cùng với đó khôi phục các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran. Theo đó, gói biện pháp trừng phạt nhằm vào hoạt động sản xuất xe ô tô dự kiến sẽ được khôi phục vào ngày 6/8. Trong bối cảnh này, PSA và Renault đưa ra chiến lược thông tin khác biệt.
Hồi đầu tháng 6, PSA thông báo hãng đã "bắt đầu tiến trình đình chỉ các hoạt động của các doanh nghiệp liên doanh ở Iran". Hiện phần lớn các lao động mang quốc tịch Pháp của công ty làm việc tại Iran đã rời khỏi nước này. Trong khi đó, Renault mập mờ khi thông báo hãng sẽ không từ bỏ các hoạt động tại Iran, song hãng sẽ cắt giảm mạnh các hoạt động ở quốc gia Trung Đông này mà không làm ảnh hưởng đến "những lợi ích" của công ty.