Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian (giữa, bên trái) tham quan cuộc triển lãm về những thành tựu hạt nhân của Iran ngày 9/4. Ảnh: Iranian Presidency/Zuma Press Wire/DPA.
Theo Bloomberg, trong một tuyên bố sau cuộc đàm phán gián tiếp kéo dài hơn hai giờ, Bộ Ngoại giao Iran cho biết rằng hai bên đã thảo luận về chương trình hạt nhân của Teheran và việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt "trong bầu không khí xây dựng và tôn trọng lẫn nhau". Cuộc đàm phán do phía Oman làm trung gian với sự tham gia của Ngoại trưởng nước này Badr al-Busaidi.
Tuyên bố này cũng nhấn mạnh tuy là cuộc đàm phán gián tiếp nhưng Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi và trưởng đoàn đàm phán Mỹ, Đặc phái viên của Tổng thống Trump tại Trung Đông, ông Steve Witkoff cũng đã có cuộc gặp ngắn và phát biểu sau khi các cuộc đàm phán kết thúc.
Các quan chức của hai nước đang tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao nhất kể từ năm 2022, nhằm mục đích giải quyết bế tắc kéo dài nhiều năm về chương trình hạt nhân của Iran.
Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố rằng ông muốn có một thỏa thuận hoặc sẽ phải sử dụng đến hành động quân sự nếu vấn đề hạt nhân của Iran không được giải quyết ổn thỏa. Trong khi đó, Iran nói rằng họ sẽ không đáp trả các mối đe dọa và chỉ đồng ý đàm phán gián tiếp.
Khi các cuộc đàm phán đang diễn ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran, ông Esmaeil Baghaei, mô tả đây là “một sự khởi đầu” để hai bên trao đổi quan điểm cốt lõi, đồng thời là “một phép thử” đối với quyết tâm của Mỹ. Nười phát ngôn của chính phủ Iran cũng từng cho biết Tehran mong muốn tham gia vào cuộc đối thoại "mà không có sự phô trương, kịch tính hoặc gây mất tập trung".
Trước khi bắt đầu cuộc đàm phán, vào ngày 11/4, Bộ Ngoại giao Iran đã tuyên bố rằng Mỹ nên đánh giá cao quyết định của Iran trong việc tham gia đàm phán, bất chấp điều họ gọi là một "sự phô trương đối đầu" đến từ phía Washington. "Chúng tôi dự định sẽ đánh giá mục đích và quyết tâm của phía bên kia vào thứ Bảy này (12/4). Với sự nghiêm túc và thận trọng thẳng thắn, chúng tôi đang trao cho hoạt động ngoại giao một cơ hội thực sự", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei đăng tải trên mạng xã hội X.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Iran, ông Majid Takht-e Ravanchi khi đó cũng nhấn mạnh: "Nếu không có các mối đe dọa và sự hăm dọa từ phía Mỹ, khả năng đạt được một thỏa thuận là rất cao. Chúng tôi phản đối mọi hành vi bắt nạt và ép buộc".
Cùng ngày 11/4, Cố vấn của Lãnh tụ tối cao Iran, ông Ali Shamkhani, cho biết nước này đang tìm kiếm một thỏa thuận hạt nhân "thực chất và công bằng" với Mỹ, trước thềm các cuộc đàm phán tại Oman. Trên mạng xã hội X, ông Shamkhani cho biết Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi được trao toàn quyền khi đến Oman đàm phán gián tiếp với Mỹ, hướng tới một thỏa thuận thực chất chứ không phải để phô trương hay chỉ để phát biểu trước ống kính truyền hình.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran và chính là người đưa ra các lệnh trừng phạt khắc nghiệt, gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Khi đó, ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Thỏa thuận này đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt đối với các hoạt động hạt nhân, để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Iran. Đáp lại, Iran ngừng thực hiện các nghĩa vụ trong thỏa thuận. Tuy nhiên, sau khi đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên, năm 2018, ông Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt trừng phạt chống Iran. Đáp lại, Iran ngừng thực hiện các nghĩa vụ trong thỏa thuận.
Tuy nhiên vào đầu tuần nay, ông Trump đã đưa ra thông báo bất ngờ rằng Washington và Tehran sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán tại Oman - quốc gia vùng Vịnh từng làm trung gian giữa phương Tây và Iran.
Bất chấp với những tín hiệu tích cực trên, các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào lực lượng Houthi ở Yemen – nhóm thân Iran đã tấn công các tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đỏ để ủng hộ Hamas – làm dấy lên suy đoán rằng Washington có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Iran. Cùng lúc, Israel đã nối lại chiến dịch quân sự "tàn khốc" chống lại Hamas – lực lượng cũng nhận được sự hỗ trợ từ Iran – sau vài tuần tạm ngừng bắn. Thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel với lực lượng Hezbollah tại Liban, do Iran hậu thuẫn, vẫn đang trong tình cảnh khá mong manh.