Iran thông báo khởi động trở lại lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Arak

Iran đang lên kế hoạch khởi động trở lại lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân Arak "trong một năm tới".

Chú thích ảnh
Lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak, phía nam thủ đô Tehran của Iran. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong một thông báo ngày 4/10, ông Mustafa Nakhai - người phát ngôn Ủy ban Năng lượng Quốc hội Iran - cho biết "lò phản ứng Arak IR-20 sẽ được khởi động trong vòng một năm tới, kể từ thời điểm này” và lò phản ứng hạt nhân Arak sẽ được chuyển đổi từ một địa điểm sản xuất nước nặng thành một cơ sở nghiên cứu sản xuất điện.

Theo thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký kết với các cường quốc thế giới năm 2015, nước CH Hồi giáo này sẽ phải đóng cửa lò phản ứng Arak ở tỉnh Markazi để không thể tiếp tục sản xuất plutoni phục vụ mục đích quân sự.

Trong thông báo về việc khởi động trở lại lò phản ứng Arak, Iran cam kết sẽ thay thế lò phản ứng ban đầu bằng một lò phản ứng mới nhằm hỗ trợ "nghiên cứu hạt nhân một cách hòa bình".

Ông Nakhai cũng dẫn lời tân Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Mohamed Eslami cho biết lò phản ứng IR-20 mới tại Arak được thiết kế để tạo ra 8.000 MW điện hạt nhân với việc xây dựng thêm các lò phản ứng bổ sung.

Trong chuyến thăm tới Arak giữa tháng 9 vừa qua, ông Eslami tuyên bố Iran muốn thiết lập cơ sở nghiên cứu đã được lên kế hoạch từ lâu "càng sớm càng tốt". Đầu năm nay, AEOI cho biết cơ quan này sẽ thử nghiệm lò phản ứng mới trong 3 tháng đầu tiên của năm (tính theo lịch của Iran, bắt đầu vào ngày 21/3 vừa qua).

Cũng trong ngày 4/10, Đức đã bác bỏ việc Iran yêu cầu Mỹ dỡ bỏ phong tỏa đối với tài sản của nước này như là một điều kiện để nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân. 

Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ: "Iran không thể đặt thêm bất kỳ điều kiện nào để nối lại các cuộc đàm phán. Chúng tôi kêu gọi Iran nối lại các cuộc đàm phán sớm nhất có thể".

Tuyên bố trên của Berlin được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian vừa kêu gọi Mỹ dỡ bỏ phong tỏa 10 tỷ USD tài sản của nước này đang bị "đóng băng" tại các ngân hàng nước ngoài, coi đây như một bằng chứng thể hiện thiện chí đối thoại của Washington nhằm mở đường cho việc Tehran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc.

Liên quan vấn đề này, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho hay, Tehran dự kiến nối lại cuộc đàm phán hạt nhân với các cường quốc thế giới vào đầu tháng 11.

Theo hãng tin AFP của Pháp, ông Khatibzadeh nói: "Chính phủ của (Tổng thống Iran) Ebrahim Raisi mới cầm quyền được chưa đầy 55 ngày... Tôi không nghĩ rằng (việc quay trở lại đàm phán) sẽ phải mất đến 90 ngày". Tuy nhiên, ông không đề cập thời điểm chính xác về động thái trên.

Thỏa thuận JCPOA đã giúp Iran giảm bớt các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này, đổi lại là sự giám sát chặt chẽ của Liên hợp quốc đối với chương trình phát triển hạt nhân của mình. Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Đáp lại, Tehran đã dần từ bỏ việc thực thi các cam kết trong thỏa thuận kể từ tháng 5/2019.

Hiện các bên đang nỗ lực để nối lại đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử này. Iran đã đề nghị tạm ngừng các cuộc đàm phán vào tháng 6 vừa qua, do nước CH Hồi giáo này tiến hành bầu cử và thành lập chính phủ mới. Đến nay, các bên vẫn chưa ấn định thời điểm nối lại đàm phán.

Thanh Phương (TTXVN)
Iran kêu gọi Mỹ giải phóng 10 tỷ USD như bằng chứng thể hiện thiện chí đối thoại
Iran kêu gọi Mỹ giải phóng 10 tỷ USD như bằng chứng thể hiện thiện chí đối thoại

Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ phong tỏa 10 tỷ USD tài sản của Iran đang bị "đóng băng" tại các ngân hàng nước ngoài, coi đây như một bằng chứng thể hiện thiện chí đối thoại của Washington nhằm dọn đường cho việc Tehran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN