Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nêu rõ: “Toàn bộ các chương trình hạt nhân và hành động (của Iran) đều tuân thủ hoàn toàn NPT (Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân), cam kết bảo vệ của Iran và nằm dưới sự giám sát của IAEA như đã từng thông báo trước đây”.
Ông Khatibzadeh nhấn mạnh Iran sẽ theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích hoà bình dựa trên nhu cầu và thực hiện các nghĩa vụ cam kết chừng nào Mỹ và các bên khác tham gia thoả thuận hạt nhân Iran tuân thủ hoàn toàn và vô điều kiện thoả thuận này.
Bộ Ngoại giao Iran đưa ra khẳng định trên sau khi IAEA trong báo cáo gửi các quốc gia thành viên, cho rằng Iran đã đạt tiến triển trong làm giàu urani, bất chấp những cảnh báo của phương Tây rằng điều này đe doạ các cuộc đàm phán về khôi phục thoả thuận hạt nhân Iran.
Báo cáo của IAEA viết: “Ngày 14/8/2021, IAEA xác nhận rằng Iran đã sử dụng 257 g urani được làm giàu dưới dạng UF4 để sản xuất 200 g kim loại urani làm giàu lên mức 20% U-235”, đồng thời cho biết đây là khâu thứ ba trong kế hoạch bốn bước của Tehran.
Từ giữa tháng 4, Iran đã bắt đầu làm giàu urani có mức tinh khiết tới 60%.
Thoả thuận hạt nhân Iran hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đã được Tehran ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015. Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ D.Trump đã rút khỏi JCPOA và đơn phương áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt hà khắc nhằm vào Iran. Đáp lại, kể từ tháng 5/2019, Iran đã nhiều lần cắt giảm mức độ tuân thủ cam kết trong JCPOA.
Trong nỗ lực khôi phục JCPOA, Iran và các bên ký JCPOA đã tiến hành 6 vòng đàm phán (trong đó Mỹ tham gia gián tiếp) từ tháng 4-6 năm nay tại Vienna (Áo). Trong vòng đàm phán gần đây nhất kết thúc vào ngày 20/6, các bên chưa ấn định thời gian cho vòng đàm phán tiếp theo.