Ông Rouhani khẳng định Iran sẽ phối hợp với IAEA cũng như không trục xuất các thanh sát viên của tổ chức này sau khi các biện pháp mới có hiệu lực vào ngày 23/2 tới.
Trước đó, phía Iran đã thông báo với IAEA rằng sẽ đình chỉ "các biện pháp minh bạch tự nguyện", đặc biệt là các chuyến thị sát tới các địa điểm phi hạt nhân, bao gồm các địa điểm quân sự bị nghi ngờ có hoạt động liên quan đến hạt nhân, nếu Mỹ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt sâu rộng được cựu Tổng thống Donald Trump tái áp đặt vào năm 2018.
Trong tuyên bố cùng ngày, Đặc phái viên của Iran tại IAEA Kazem Gharibabadi cho biết Giám đốc IAEA Rafael Grossi sẽ đến Tehran nhằm thảo luận về cách thức phối hợp với Iran trên cơ sở kế hoạch mở rộng quy mô hợp tác, vốn được đưa ra hôm 16/2. Chuyến thăm được dự kiến diễn ra vào ngày 20/2.
Trong một diễn biến liên quan khác, Bộ Ngoại giao Pháp cho hay Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian sẽ thảo luận về tình hình liên quan đến Iran với người đồng cấp Đức, Mỹ và Anh trong một cuộc họp được tổ chức vào ngày 18/2. Cuộc họp diễn ra sau khi Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei yêu cầu Mỹ cần phải "có hành động thay vì lời nói" nhằm giúp hồi sinh thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015. Trong khi đó, Tổng thống Rouhani khẳng định nếu các biện pháp trừng phạt Iran được gỡ bỏ, Tehran sẽ chỉ mất vài giờ để xác thực hành động và quay trở lại thực thi các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Theo thỏa thuận JCPOA, các thanh sát viên của IAEA có quyền tiếp cận một cách hạn chế các cơ sở phi hạt nhân của Iran, bao gồm cả các địa điểm quân sự, trong trường hợp nghi ngờ diễn ra các hoạt động hạt nhân bất hợp pháp. Tuy nhiên, vào tháng 12/2020, Quốc hội Iran đã thông qua một đạo luật, bắt buộc chính phủ phải kiên quyết với lập trường hạt nhân của mình. Với đạo luật này, Tehran sẽ chấm dứt quyền thanh sát của IAEA kể từ ngày 21/2 tới, trừ khi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt.