Theo Ngoại trưởng Amir-Abdollahian, Tehran và Riyadh đã đạt được một số tiến triển trong 5 vòng đàm phán vừa qua ở Iraq, trong đó chủ yếu tiến hành trên cấp độ an ninh với nội dung bàn thảo về các vấn đề an ninh. Ông cũng nêu rõ về chủ trương thúc đẩy chính sách ngoại giao khu vực của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, khẳng định rằng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Kuwait đã quyết định cử đại sứ tới Tehran.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iraq - ông Fuad Hussein gần đây xác nhận Riyadh đã sẵn sàng tham gia đàm phán ở "cấp độ công khai, chính trị”. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng bày tỏ sẵn sàng bước vào giai đoạn chính trị trong tiến trình đàm phán với kỳ vọng sẽ khôi phục mối quan hệ ngoại giao bình thường giữa Saudi Arabia và Iran”.
Các nỗ lực trên diễn ra trong bối cảnh sau khi nhậm chức vào năm 2021, Tổng thống Ebrahim Raisi nêu rõ "chính sách láng giềng trên hết" của chính phủ mới tại Iran là kích hoạt ngoại giao khu vực và nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực.
Theo giới quan sát, Iran và Saudi Arabia vốn là hai quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực. Việc hai nước định hình lại mối quan hệ thông qua các cuộc đàm phán với vai trò trung gian hòa giải của Iraq sẽ góp phần làm giảm căng thẳng ở khu vực Trung Đông vốn đã có nhiều điểm nóng.