Động thái này nhằm đáp trả nghị quyết "chống Tehran" vừa được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua ngày 21/11.
Trong một tuyên bố chung, Bộ Ngoại giao Iran và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran cho biết, lãnh đạo cơ quan hạt nhân đã chỉ đạo thực hiện những biện pháp hiệu quả để đối phó với nghị quyết này. Các biện pháp bao gồm triển khai số lượng lớn máy ly tâm hiện đại với nhiều loại khác nhau. Tuyên bố chung cũng chỉ trích nghị quyết của IAEA là "chính trị, không thực tế và phản tác dụng".
Dù vậy, Iran khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác về công nghệ và các biện pháp bảo vệ với IAEA theo thỏa thuận trước đó. Tuyên bố cũng nhấn mạnh nước này sẽ kiên định bảo vệ quyền lợi của người dân và phát triển chương trình hạt nhân phục vụ mục đích hòa bình.
Nghị quyết của IAEA, do Pháp, Đức và Anh soạn thảo và được Mỹ ủng hộ, đã được thông qua trong cuộc họp Hội đồng thống đốc IAEA với sự tham gia của 35 quốc gia. Đây là nghị quyết thứ hai trong năm, sau nghị quyết hồi tháng 6 cũng bị Iran chỉ trích mạnh mẽ.
Nghị quyết lần này được đưa ra ngay sau chuyến thăm Tehran của Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi, trong đó ông đã gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của Iran, bao gồm Tổng thống Masoud Pezeshkian. Tuy nhiên, đại diện Iran tại Liên hợp quốc, ông Saeid Iravani, cho rằng nghị quyết này "không cân nhắc kết quả tích cực" từ chuyến thăm của ông Grossi. Iran tuyên bố sẽ phản ứng dựa trên "quyền hợp pháp" của mình.
Ngoại trưởng Iran Abbas Aragchi đã liên lạc với người đồng cấp của các quốc gia thành viên Hội đồng thống đốc IAEA để kêu gọi phản đối nghị quyết và ngăn ngừa việc hội đồng này bị lợi dụng cho mục tiêu chính trị của ba quốc gia châu Âu, theo truyền thông Iran.
Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran chỉ được phép vận hành khoảng 5.000 máy ly tâm đời cũ và sử dụng máy ly tâm hiện đại cho mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump và tái áp đặt các lệnh trừng phạt, Iran dần giảm cam kết và đưa vào hoạt động các máy ly tâm mới từ năm 2019.