Theo tuyên bố của IAEA, cuộc họp này được thực hiện ở cấp chuyên gia, với mục tiêu làm rõ những vấn đề nổi bật còn tồn tại.
Trước đó, thỏa thuận tạm thời về xác minh và thanh sát cần thiết giữa Iran và IAEA đã giúp thuyết phục các cường quốc châu Âu từ bỏ nghị quyết lên án Iran tại cuộc họp Ban Thống đốc IAEA. Điều này giúp tránh leo thang căng thẳng giữa Iran và phương Tây, yếu tố có thể ảnh hưởng tới nỗ lực nhằm đưa Mỹ và Iran tuân thủ hoàn toàn trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Tuy nhiên, nếu các cuộc thảo luận mới nhất giữa IAEA và Iran không đạt tiến triển trong việc tìm ra lời giải thích thỏa đáng về dấu vết urani thì Pháp, Anh và Đức có thể sẽ thúc đẩy trở lại nghị quyết do Mỹ hậu thuẫn tại cuộc họp ban lãnh đạo IAEA vào tháng 6 tới.
Trong 2 năm qua, các thanh sát viên IAEA đã tìm thấy những dấu vết urani tại 3 địa điểm mà Iran chưa từng công bố, cho thấy Tehran có khả năng sở hữu nguyên liệu hạt nhân có liên quan tới các hoạt động làm giàu urani chưa được thông báo trước đây. IAEA cần truy tìm nguồn gốc để bảo đảm Iran không tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân.
Cùng ngày, truyền thông Trung Đông dẫn lời một số quan chức Iran nhận định nước Cộng hòa Hồi giáo và các cường quốc thế giới đã đạt được một số tiến triển trong nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), và một thỏa thuận tạm thời là khả thi trước khi hướng tới giải pháp lâu dài.
Phát biểu tại cuộc họp báo định kỳ hàng tuần tại thủ đô Tehran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh tuyên bố: “Chúng tôi đang trên lộ trình đúng hướng và đã đạt được một số tiến triển, song điều này không đồng nghĩa các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) đã tiến tới giai đoạn cuối cùng”.
Trong khi đó, một quan chức Iran giấu tên tiết lộ chủ đề đang được thảo luận tại Vienna là những điểm chính của một thỏa thuận tạm thời, nhằm cho phép tất cả các bên có thêm thời gian để giải quyết những vấn đề kỹ thuật phức tạp. Một quan chức Iran khác cho biết nếu đạt được một thỏa thuận chính trị để dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, Tehran có thể đình chỉ việc làm giàu urani ở mức 20% để đổi lấy việc giải phóng các nguồn tài chính bị phong tỏa ở nước ngoài.
Các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn JCPOA đã được nối lại từ ngày 6/4 tại Vienna. Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran và đưa các bên trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân là chủ đề hàng đầu của chương trình nghị sự lần này. Trong khi các bên còn lại tham gia thảo luận trực tiếp tại khách sạn ở Vienna thì phái đoàn Mỹ tham gia gián tiếp bằng hình thức trực tuyến tại một khách sạn khác gần đó, với EU đóng vai trò trung gian. Mỹ rút khỏi thỏa thuận năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Vì vậy, Iran không chấp nhận việc Mỹ cử phái đoàn tham gia đàm phán trực tiếp nếu chưa dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Vòng đàm phán thứ 2 bắt đầu từ ngày 15/4 trong bối cảnh Iran tuyên bố nâng mức làm giàu urani lên 60%, động thái mà châu Âu bày tỏ quan ngại đặc biệt trong khi Iran cho biết quyết định này nhằm đáp trả một vụ tấn công nhằm vào cơ sở hạt nhân Natanz, ở miền Trung nước này. Tehran cáo buộc Israel đứng sau vụ việc. Ngày 17/4, IAEA xác nhận Iran hiện đã làm giàu urani ở mức 55,3%, cao hơn nhiều so với mức 20% mà nước này thực hiện từ đầu năm 2021. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng quyết định của Iran không giúp ích cho việc giải quyết bất đồng hiện nay nhưng điều đáng mừng là Iran vẫn tiếp tục tham gia các cuộc đàm phán.